Phở Hà Nội chính thức trở thành Di sản phi vật thể quốc gia
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Phở Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong danh mục "Tri thức dân gian".
Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội, tại 30/30 quận, huyện, thị xã… trên địa bàn thành phố đều có hàng phở. Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.
Theo nhiều sử liệu ghi chép lại, món phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỷ XX. Thuở ban đầu phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910.
Về nguồn gốc ra đời của món phở, đến nay, còn nhiều quan điểm khác nhau với 3 giả thuyết phổ biến: phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; phở có nguồn gốc từ món ngưu nhục phấn của người Hoa; và phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.
Để xây dựng Hồ sơ di sản cho phở Hà Nội, các chuyên viên của Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội đã có một quá trình nghiên cứu các tài liệu và khảo sát thực tế một số cửa hàng phở lâu năm trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, nhóm “xây dựng lý lịch cho phở" đã đưa ra một số thông tin cho quá trình hình thành và phát triển.
Lịch sử hình thành và phát triển của món phở gắn với với lịch sử thăng trầm của Thủ đô, cả trong ký ức của nhiều người Hà Nội và từ đó mà trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội. Đằng sau mỗi quán phở lại có một câu chuyện lịch sử riêng, tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn về ẩm thực và con người Hà Nội.
Quyết định công nhận Phở Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đưa ra dựa trên đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Việc công nhận này nhằm ghi nhận giá trị văn hóa đặc sắc của món ăn truyền thống Hà Nội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị của Phở trong đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô và cả nước.
Theo quyết định, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể này theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, mở ra cơ hội mới trong việc quảng bá và phát triển giá trị văn hóa ẩm thực của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Phở Hà Nội - tinh hoa ẩm thực của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, là bản giao hưởng của hương vị và cảm xúc. Từng sợi bánh mềm mịn, trắng ngần như tơ lụa, nằm duyên dáng trong tô nước dùng trong vắt, thơm nức mũi.
Việc Phở Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo đề xuất của Sở VHTT Hà Nội, để bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị di sản Phở Hà Nội, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về di sản; đồng thời huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có ý thức tổ chức và giữ gìn, phát triển nghề nấu phở bền vững đồng thời phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu Phở Hà Nội.
Cùng đợt này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian phở Nam Định (tỉnh Nam Định). Theo số liệu thống kê, địa bàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 300 cửa hàng phở. Phở Nam Định còn được đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và thậm chí cả nước ngoài.
Huyền MyTheo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 8/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.