Quảng Ninh huy động tổng lực khắc phục hậu quả sau bão số 3
Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu nhiều tác động mạnh nhất bởi cơn bão số 3. Ngay sau khi cơn bão đi qua, toàn tỉnh đã dồn lực khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó với cơn bão trên địa bàn. Cụ thể là phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra thiệt hại về người, Quảng Ninh đã chỉ đạo tất cả các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, địa phương đã tập trung cao độ phân công lực lượng phòng chống bão; chủ động theo dõi các kênh dự báo diễn biến hướng di chuyển của cơn bão để tuyên truyền, khuyến cáo du khách, ngư dân tìm nơi tránh trú bão. Các lực lượng chức năng tăng cường kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 8/9, hệ thống thông tin liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối, không liên lạc được, mất điện diện rộng. Toàn tỉnh có 3 người chết, 157 người bị thương.
Theo thống kê bước đầu từ các địa phương, có 2.083 nhà bị tốc mái, 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ, có hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi, 336ha lúa bị ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng, pano, biển quảng cáo bị gãy đổ.
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, ngay trong chiều tối 7/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thống kê số tàu du lịch, tàu cá, bè nuôi trồng thủy sản bị đắm, chìm; các hộ thiệt hại hoa màu, bị tốc mái cần được hỗ trợ ngay; tổ chức ngay các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu, xà lan bị trôi dạt trên biển. Cùng với đó, phối hợp với điện lực, các nhà mạng viễn thông để nhanh chóng khắc phục tình trạng mất mạng Internet, mất điện, đảm bảo thông tin được thông suốt, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngay trong đêm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh mà nòng cốt là Bộ CHQS tỉnh hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn bắt đầu tổ chức tìm cứu, ưu tiên những trường hợp bị nạn ở dưới biển, như lật thuyền, trôi dạt, mất tích; tập trung chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người trên các phương tiện và tàu bị đắm. Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tập trung lực lượng dọn dẹp cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến đường, ngõ, trường học, nhà văn hóa... để bảo đảm sinh hoạt trở lại.
Để nhân dân sớm ổn định đời sống sau thiên tai, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tổ chức những đoàn thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống.
Trong sáng 9/9, Thường trực Thành ủy Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp để nghe báo cáo về kết quả công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, xã, phường đã báo cáo, làm rõ thêm những thiệt hại cũng như những tồn tại, khó khăn trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của cơn bão.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố đề nghị thành phố phát động chiến dịch khắc phục cơn bão số 3. Đây sẽ là chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ. Các đồng chí trong BTV Thành ủy và UBND thành phố sẽ chịu trách nhiệm đối với từng địa bàn được phân công.
Có thể nói, việc khôi phục hoàn toàn hậu quả sau mỗi đợt bão lũ là cả một quá trình dài, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung sức của các lực lượng, đoàn thể cùng với người dân, đến thời điểm này, công tác khắc phục thiệt hại do bão đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.
Thanh HảiTheo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.