Sơn La: Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Mặc dù bước vào thực hiện các bộ tiêu chí của nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 còn gặp một số khó khăn, nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị và các cấp các ngành, tỉnh Sơn La đã tập trung các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong công tác đánh giá và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận "Chung tay xây dựng nông thôn mới" của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, HTX… Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ bằng hoặc vượt kế hoạch được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao từ đầu năm
Kết quả đánh giá sơ bộ thực hiện một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh như sau: Tiêu chí số 2 - Giao thông đạt 70/188 xã, đạt tỷ lệ 37,23%. Tiêu chí số 3 - Thủy lợi và phòng chống thiên tai đạt 179/188 xã, đạt tỷ lệ 95,21%. Tiêu chí số 4 - Điện đạt 173/188 xã, đạt tỷ lệ 92,02%. Tiêu chí số 5 - Trường học đạt 114/188 xã, đạt tỷ lệ 60,64. Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa đạt 90/188 xã, đạt tỷ lệ 47,87%. Tiêu chí số 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đạt 171/188 xã, đạt tỷ lệ 90,96%. Tiêu chí số 8 - Thông tin và Truyền thông đạt 148/188 xã, đạt tỷ lệ 78,72%.
Công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực vào địa bàn các xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Năm 2023, Sơn La huy động được khoảng 19.233 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã ban hành Nghị quyết và Quyết định giao dự toán các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước các cấp thực hiện Chương trình. Tổng nguồn ngân sách nhà nước phân bổ theo các quyết định của UBND là 500,574 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn năm 2022 chuyển sang 178,646 tỷ đồng; năm 2023 là 321,928 tỷ đồng).
Toàn tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương và các nhóm dân cư; từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh. Hỗ trợ có hiệu quả và tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiếp tục phát huy và làm tốt hơn công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Đến nay có 164/188 xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo, 109/188 xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Đến nay toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 16 xã so với năm 2020; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 12,35 tiêu chí; có 112 xã đạt 10 tiêu chí cơ bản trở lên.
Tỉnh cũng triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn. Hiện, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP, tăng 69 sản phẩm so với năm 2020, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao; 57 sản phẩm đạt 4 sao và 93 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm thực sự đã được nâng cấp, trở thành hàng hóa có trong và ngoài các siêu thị lớn như Cà phê, Chè, Mận sấy dẻo và các sản phẩm từ thịt sấy khô...
Với những kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Sơn La xác định tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục duy trì thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó duy trì 2 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, củng cố Bộ tiêu chí Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 100% các phường đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định.
Triển khai đồng bộ trên địa bàn 188 xã, trong đó: Phấn đấu đạt chuẩn tăng thêm ít nhất 8 xã nông thôn mới, đảm bảo lũy kế hết năm 2024 đạt chuẩn 73 xã nông thôn mới. Dự kiến 8 xã gồm: xã Chiềng Khay, xã Cà Nàng, xã Nậm Ét, xã Mường Sại huyện Quỳnh Nhai; xã Chiềng Mai huyện Mai Sơn, xã Mường Thải, xã Huy Tường huyện Phù Yên; xã Mường Hung huyện Sông Mã.
Phấn đấu đạt chuẩn tăng thêm ít nhất 2 xã nông thôn mới nâng cao, đảm bảo lũy kế hết năm 2024 đạt chuẩn 10 xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến 2 xã gồm xã Hát Lót - huyện Mai Sơn, xã Chiềng Đen - thành phố Sơn La. Phấn đấu tiêu chí bình quân đạt 13,12 tiêu chí/xã trở lên trên toàn tỉnh, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Để thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch, kịch bản chi tiết tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên tuyền, vận động, đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng nhiều hình thức, cách thức.
Các đơn vị tiếp tục phát động và cổ vũ phong trào “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn các phong trào thi đua, các cuộc vận động của các đoàn thể các cấp nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào địa bàn nông thôn. Huy động, lồng ghép các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách Nhà nước từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là Giao thông nông thôn, Điện nông thôn, nhà ở dân cư...
Ưu tiên củng cố, tăng cường phát triển các mô hình sản xuất Chuỗi giá trị, Chương trình phát triển Du lịch nông thôn, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, phấn đấu lũy kế đến hết năm 2024 có 188 sản phẩm cấp 3 sao trở lên.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình, cách làm hay, phát huy và động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, nhất là các tầng lớp dân cư nông thôn, các tấm gương điểm hình tiên tiến, có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Việt DũngSáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.