Sự trỗi dậy của "bông hoa 30.000 USD" – Điện mặt trời truyền thống sắp bị lật đổ?
Tự xoay theo nắng, tự làm sạch, tự cấp điện: Có gì bên trong SmartFlower?
Từ "đẹp" từ lâu đã không tồn tại trong vốn từ vựng của ngành năng lượng mặt trời cho đến khi SmartFlower xuất hiện. Trong một thế giới tràn ngập vô số tấm pin mặt trời hình chữ nhật, Smartflower là một sản phẩm năng lượng mặt trời mới lạ và hiếm có.
Nếu như hoa hướng dương nở, khép và hướng về phía mặt trời để chuyển đổi năng lượng một cách tối ưu, thì Smartflower cũng như vậy.

Smartflower đẹp và cực thông minh. Ảnh: Solar SME
SmartFlower tạo ra điện nhiều hơn 40% so với pin mặt trời thông thường
Được Alexander Swatek phát minh tại Vienna (Áo) vào năm 2014, SmartFlower là giải pháp năng lượng mặt trời duy nhất trên thế giới có thiết kế tích hợp "tất cả trong một" với hình dáng như một tác phẩm điêu khắc. Nhờ cơ chế thông minh, SmartFlower có thể tự động xoay theo hướng mặt trời, luôn duy trì góc 90 độ tối ưu với mặt trời, giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch và bền vững cho chúng ta.
Nhờ sử dụng công nghệ robot và tự động hóa tiên tiến để theo dõi mặt trời một cách thông minh, SmartFlower tạo ra nhiều hơn tới 40% năng lượng so với các tấm pin mặt trời cố định thông thường. Nó có thể tạo ra tới 6.500 kilowatt-giờ mỗi năm.
Với mức sử dụng điện trung bình của một hộ gia đình tại Mỹ là 10.800 kWh mỗi năm, SmartFlower có thể cung cấp khoảng 40-60% nhu cầu năng lượng cho mỗi hộ.

SmartFlower có thể theo dõi điều kiện thời tiết và quyết định khi nào nên mở và khi nào nên gập cánh lại để bảo vệ. Ảnh: Volvocars-news
Ngoài ra, mỗi ngày khi hoàng hôn buông xuống, SmartFlower sẽ tự động gập lại và tự làm sạch để duy trì mức sử dụng năng lượng mặt trời cao nhất.
Hơn 2 năm sau ngày ra mắt, hàng nghìn hệ thống SmartFlower đã đến tay người dùng khắp châu Âu và Mỹ.
SmartFlower có mức giá trung bình từ 25.000 đến 30.000 đô la Mỹ, chưa tính chi phí lắp đặt trung bình là 27.000 đô la. Hiện SmartFlower có thêm 2 phiên bản đó là SmartFlower +Plus nâng cấp (kèm pin để lưu trữ quang năng) và SmartFlower EV được thiết kế để sạc trực tiếp xe điện bằng quang năng.
SmartFlower khác biệt thế nào so với điện mặt trời trên mái nhà?
Sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà và hệ thống SmartFlower là SmartFlower được lắp trên mặt đất.
Hệ thống lắp trên mặt đất là giải pháp thay thế tuyệt vời cho hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà vì bạn có thể tránh được mọi hạn chế tiềm ẩn khi lắp đặt hệ thống trên mái nhà.
Hệ thống tấm pin mặt trời trên mái nhà có thể cần được tùy chỉnh để tính đến một số biến số như loại mái nhà và không gian khả dụng, nhưng với mô-đun SmartFlower lắp trên mặt đất, bạn chỉ việc chọn bất kỳ nơi nào có đủ ánh sáng mặt trời. Bản thân thiết bị có diện tích 18 mét vuông.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà và hệ thống SmartFlower là SmartFlower được lắp trên mặt đất.
Sự khác biệt lớn tiếp theo giữa hệ thống SmartFlower và hệ thống tấm pin mặt trời truyền thống là nó bao gồm một bộ theo dõi trục kép để có thể theo dõi mặt trời trong suốt cả ngày và tối đa hóa sản lượng năng lượng mặt trời. Điều này có nghĩa là nó tạo ra sản lượng hơn 40% so với hệ thống tấm pin mặt trời trên mái nhà có kích thước tương tự.
Sự khác biệt lớn thứ ba đến từ các tính năng "thông minh". Thiết kế riêng biệt của SmartFlower ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức hoạt động của nó. SmartFlower bao gồm 12 'cánh hoa' mở ra vào đầu ngày khi mặt trời mọc. Các tấm pin năng lượng mặt trời được thêm vào các cánh hoa này và khi các cánh hoa khép lại vào cuối ngày, chúng cũng tự làm sạch thông qua các bàn chải được thêm vào mặt sau của mỗi tấm pin.
Tính năng tự làm sạch của mô-đun SmartFlower là một trong hai tính năng độc đáo giúp phân biệt nó với các hệ thống tấm pin mặt trời lắp trên mặt đất khác.
Các tính năng thông minh khác của SmartFlower là khả năng làm mát thấp hơn tới 7 độ C so với nhiệt độ thông thường, điều này giúp tăng hiệu suất của các tấm pin quang điện thêm 5-10%. Ngoài ra, SmartFlower còn có thể theo dõi điều kiện thời tiết và quyết định khi nào nên mở và khi nào nên gập cánh lại để bảo vệ.
Hiện nay, năng lượng mặt trời chiếm 81% tổng công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trên toàn thế giới. Nguồn năng lượng này đã trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu nhằm hướng đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn.
Hội đồng Năng lượng Mặt trời Toàn cầu (GSC) đang đặt ra mục tiêu rất tham vọng là đến năm 2030, công suất điện mặt trời toàn cầu phải đạt được 8 TW - trung bình khoảng 1 TW công suất lắp đặt mới mỗi năm từ nay đến 2030.
Việc các công nghệ quang năng ngày càng được phát triển nhằm đa dạng hóa nhu cầu, quy mô là điều cần thiết. Những thiết bị như SmartFlower hay những tấm pin mặt trời hình chữ nhật cỡ lớn đều hữu dụng trong bối cảnh chuyển đổi xanh của cả nhân loại. Do đó, câu hỏi liệu điện mặt trời truyền thống bị lật đổ bởi các thiết bị như SmartFlower có lẽ còn rất xa mới trả lời được!
Trang Ly
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 2/7.