Thị trường M&A bất động sản chờ đợi "bom tấn" cuối năm

Nhịp cầu BĐS
08:44 AM 30/09/2024

Giới quan sát nhận định "đường đua" mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản trong quý cuối năm 2024, tiếp nối sang năm 2025, sẽ sôi động hơn, bùng nổ với những thương vụ "bom tấn".

Chuyên gia của Savills Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ trong 3 - 4 năm trở lại đây. Dòng vốn đó đến nay bắt đầu thẩm thấu và các dự án có vốn FDI đã bắt đầu thực hiện.

Thị trường M&A bất động sản chờ đợi "bom tấn" cuối năm- Ảnh 1.

Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng hai đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu hợp tác phát triển dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền tại Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Hay như Kim Oanh Group cũng mới bắt tay với 3 tập đoàn hàng đầu đến từ Nhật Bản, gồm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và Công ty Phát triển đô thị NTT để triển khai một dự án đô thị quy mô 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Rồi Tập đoàn Bcons đang bắt tay với Asset Limited đến từ Thái Lan, để triển khai 11 dự án nhà ở thuộc phân khúc vừa túi tiền tại thị trường Bình Dương. Trước đó không lâu, CapitaLand động thổ dự án nhà ở diện tích 19 ha, cung ứng ra thị trường 3.500 sản phẩm tại Bình Dương. 

Mới đây nhất, tháng 8/2024, Công ty Daewoo E&C (Hàn Quốc) quyết định rót thêm 105 triệu USD phát triển dự án bất động sản tại Đồng Nai. 

Còn trong tháng 7/2024, Nova Service Group, công ty thành viên của NovaGroup thông báo đang đàm phán với doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc để phát triển Dự án NovaWorld Phan Thiết.

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản gây chú ý. Các nhà đầu tư ngoại chịu chi nhất chủ yếu đến từ Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...

Đáng chú ý, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Cần phải nói thêm, nửa đầu năm 2024 được đánh giá là quãng thời gian khá mờ nhạt trên đường đua M&A bất động sản, thị trường không có quá nhiều thương vụ đình đám. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hai quý đầu năm là quãng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị về tiền bạc, pháp lý, thông tin dự án... sẵn sàng cho sự bùng nổ trong nửa cuối năm 2024, kéo dài sang năm 2025.

Và thực tế, trong tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận một loạt thương vụ “bom tấn”. Điển hình là thương vụ KIDO nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại CTCP Hùng Vương lên 58,05%. Để hoàn thành thương vụ, KIDO đã thực hiện hai đợt mua vào hơn 9,5 triệu và 4,5 triệu cổ phần của Hùng Vương trong chưa đầy 1 tháng.

Trước đó, Tập đoàn Mường Thanh cũng gây chú ý khi tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, đây vẫn được xem là “bom tấn” trên thị trường M&A bất động sản.

Cũng trong quý III, Novaland cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại công ty con là CTCP Huỳnh Gia Huy, cho CTCP Tập đoàn EverLand với giá trị chuyển nhượng khoảng 1.900 tỷ đồng. Được biết, Huỳnh Gia Huy là chủ đầu tư của dự án NovaHills Mui Ne tọa lạc tại Phan Thiết, với quy mô trải rộng trên gần 40ha.

Giới quan sát nhận định, đường đua M&A bất động sản trong quý cuối năm 2024, tiếp nối sang năm 2025, sẽ sôi động hơn. Lợi thế trong cuộc đua M&A nhiều khả năng vẫn nghiêng về khối ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội dù phần nào thất thế về tiền bạc, vẫn sẽ duy trì trạng thái “phòng thủ chủ động”.

Một điều dễ thấy là trong những năm gần đây, để không bị lép vế, các doanh nghiệp trong nước đang chủ động phát huy những lợi thế của chủ nhà. Một trong số đó là đẩy mạnh gom quỹ đất sạch - yếu tố then chốt trong thực hiện dự án.

Savills Hà Nội kỳ vọng, hoạt động M&A nửa cuối năm sẽ khởi sắc trên cơ sở các hành lang pháp lý được hoàn thiện, quyết tâm và các chính sách của Chính phủ trong việc gỡ vướng cho bất động sản sẽ tác động tích cực đến niềm tin của thị trường. 

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Giá vé máy bay nội địa Tết năm 2025 tăng trung bình khoảng 5 - 8% Giá vé máy bay nội địa Tết năm 2025 tăng trung bình khoảng 5 - 8%

Thời điểm này, dù trước Tết Âm lịch 4 tháng nhưng giá vé máy bay các chặng từ Nam ra Bắc và miền Trung đều tăng so với năm ngoái. Theo các đại lý bán vé máy bay, giá vé nội địa Tết năm 2025 tăng trung bình khoảng từ 5 - 8% so với cùng kỳ.