Trung tâm y tế huyện Yên Dũng: Chú trọng nâng cao văn hoá ứng xử với người bệnh
Bệnh viện là môi trường nhạy cảm, bởi nơi đây người bệnh thường đau đớn, mệt mỏi; người thân thì lo lắng; nhân viên y tế (NVYT) luôn phải làm việc trong áp lực, vất vả.. bởi thế thái độ giao tiếp tốt, ứng xử hài hòa giữa các bên không chỉ mang đến sự hài lòng của người bệnh, mà còn tạo môi trường tích cực, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và hiệu quả chăm sóc.
Thấu hiểu từ hai phía
Hơn một tuần chăm sóc chồng tai biến tại Trung tâm y tế huyện Yên Dũng, bà Trần Thị Thanh (xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng) cho biết, rất hài lòng với sự thăm khám chu đáo của bác sĩ và các NVYT tại Trung tâm. Bà Thanh cảm thấy ấm lòng khi được thấy những nụ cười, lời chia sẻ, động viên từ đội ngũ y tế để bà bớt lo lắng hơn. Ngoài ra, để thân nhân biết tình trạng của người bệnh, hướng điều trị trong những trường hợp có diễn biến xấu, bác sĩ cũng chủ động thông tin cho người nhà bệnh nhân biết để hợp tác.
Cũng là một bệnh nhân cao huyết áp thường xuyên của Trung tâm y tế đến khám và lấy thuốc về uống, bà Phạm Thị Đức (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) cảm thấy rất hài lòng về những dịch vụ tại bệnh viện hiện nay được nâng cao, đặc biệt là khâu đón tiếp bệnh nhân.
"Khi đến bệnh viện khám, tôi được các cô chú NVYT thăm hỏi, hướng dẫn tận tình đưa đến các phòng chức năng để tôi đỡ mất công tìm kiếm. Người bệnh chúng tôi khi đến bệnh viện thường có tâm lý hoang mang, lo lắng. Nhưng được những lời động viên, tận tình của các bác sĩ, chúng tôi yên tâm lắm", bà Đức chia sẻ.
Có lẽ những chia sẻ này cũng là một trong những phương châm làm việc, văn hoá ứng xử mà theo BS Đặng Hữu Tuấn- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Dũng cần thiết để xây dựng một môi trường y tế thân thiện
Theo bác sĩ Tuấn, ăn hóa giao tiếp ứng xử trong ngành Y đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và nâng cao chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên, để có được kết quả thì phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh, điều kiện làm việc và vai trò trách nhiệm của nhân viên y tế.
"Đối với mỗi bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý phải nhận ra rằng họ cần thay đổi cách tiếp cận hướng đến người bệnh là trọng tâm, vai trò của họ không chỉ tập trung vào bệnh mà còn quan tâm đến các nhu cầu, mong đợi, thấu cảm với những lo lắng và các vấn đề xã hội của người bệnh. Đó chính là những yếu tố góp phần vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn diện tốt hơn", BS Đặng Hữu Tuấn nhấn mạnh
Hãy đặt mình vào vị trí của người bệnh
Đó là những chia sẻ sau gần 10 năm gắn bó và tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi làm việc tại Trung tâm y tế huyện Yên Dũng của chị Nguyễn Thị Thành- Cán bộ điều dưỡng phụ trách công việc, tư vấn, đón tiếp bệnh nhân.
Chị Thành cho biết, quá trình làm việc chị và đồng nghiệp đã chứng kiến và xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân khác nhau. Ví như, ở Khoa Cấp cứu thường rất áp lực bởi đây là khâu đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, cần sự đánh giá nhanh, xử trí kịp thời với những ca nặng. Do đó, rất cần người bệnh và thân nhân hợp tác, có thái độ bình tĩnh, thấu hiểu công việc của nhân viên cấp cứu. Nhưng không ít lần nhân viên của khoa bị người nhà gây hấn vì đã tập trung xử lý 1 ca bệnh vào sau mà chưa khám cho người nhà họ vào trước. Tuy nhiên, theo yêu cầu nghề nghiệp phải ưu tiên những ca có dấu hiệu nguy kịch hơn. Bởi có những bệnh nhân nhìn bề ngoài có vẻ… rất ổn, nhưng thực tế họ đang có diễn biến rất nặng bên trong, nếu không cấp cứu kịp thời, có thể họ sẽ tử vong.
Trong khi có những ca thực tế lại không nguy hiểm đến tính mạng vì chỉ bị ở phần mềm. Hơn nữa, công tác cấp cứu thường rất bận rộn nên bác sĩ và NVYT thường không có thời gian giải thích cho người nhà, trừ trường hợp cần thiết, nhưng nhiều người không hiểu được tính chất công việc của NVYT nên có lời lẽ, hành động thiếu tôn trọng, gây áp lực.
"Gặp những trường hợp đó, chúng tôi càng phải bình tĩnh và đặt mình vào vị trí của họ, chỉ khi có sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau mới giải thích được vấn đề. NVYT không được xem việc chữa khỏi bệnh cho người bệnh là "ban ơn", đó là trách nhiệm. Còn phía bệnh nhân và thân nhân, cần tôn trọng, tin tưởng và hợp tác với bác sĩ. Hãy để NVYT làm công việc chuyên môn của mình. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong bệnh viện chỉ có thể tốt khi có sự hợp tác của các bên", chị Thành cho biết.
Sau những chia sẻ của chị Thành và nhiều cán bộ nhân viên y tế khác, có lẽ chúng ta càng thấu hiểu được rằng, trong thời đại của công nghệ và chuyển đổi số, máy móc có thể thay thế được nhiều thứ những thiết nghĩ không thể thay thế được những nụ cười và những lời cảm ơn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, sự chân thành luôn là chất xúc tác để đưa con người đến gần nhau hơn.
Đặc biệt ở môi trường y tế, đôi khi ngôn từ trở nên bất lực, chân thành có lẽ là tiếng nói tận trong đáy lòng của mỗi người mà chúng ta khó có thể thấy rõ. Chân thành đối với cán bộ y tế khi giao tiếp ứng xử với người bệnh là sự tận tâm chăm sóc. Với đồng nghiệp, chân thành là sự cởi mở chia sẻ những khó khăn mà đội ngũ y tế đang gặp phải. Với lãnh đạo, chân thành là lắng nghe những phản hồi của nhân viên, những người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh để có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của bệnh viện.
Trương HưngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.