Vì sao mất gần 2 năm để thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe?

Thời gian gần đây, dư luận không khỏi băn khoăn trước thông tin một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đã chủ động gửi văn bản đề nghị thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, nhưng phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí lên tới gần hai năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới ban hành quyết định thu hồi chính thức.

Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm dùng để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, giúp duy trì, tăng cường hoặc cải thiện chức năng cơ thể, và giảm nguy cơ mắc bệnh. TPBVSK có thể chứa một hoặc nhiều thành phần như: vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và các chất có hoạt tính sinh học khác; các chất có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, khoáng vật, thực vật (dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc, chuyển hóa); hoặc các chất tổng hợp tương đương. Cũng theo quy định này, các sản phẩm TPBVSK phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thì mới đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Vì sao mất gần 2 năm để thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 1.

Ngày 2/7/2023 Công ty TNHH một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy có văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, nhưng ngày 06/05/2025 (sau 22 tháng) Cục An toàn thực phẩm mới ra quyết định thu hồi

Vì sao doanh nghiệp tự đề nghị – lại mất quá nhiều thời gian để xử lý?

Điều đáng lo ngại là: khi doanh nghiệp đã gửi đề nghị thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố, nhưng chưa có quyết định chính thức từ cơ quan quản lý, thì về mặt pháp lý, sản phẩm đó vẫn còn được coi là "hợp pháp" để lưu hành trên thị trường. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, có thể xảy ra một số hệ lụy: Một số đối tác phân phối tiếp tục kinh doanh sản phẩm do chưa nhận được thông báo thu hồi chính thức; Doanh nghiệp gặp rủi ro về uy tín nếu bị hiểu nhầm là "lưu hành sản phẩm sai quy định"; Dữ liệu công bố trên hệ thống công khai chậm được cập nhật, khiến người tiêu dùng và cơ quan quản lý địa phương gặp khó khăn trong việc xác minh tình trạng pháp lý của sản phẩm.

Vì sao mất gần 2 năm để thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 2.

Ngày 2/7/2023 Công ty TNHH ABBOTT HEALTHCARE có văn bản đề nghị xin rút hồ sơ liên quan tới sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, nhưng ngày 12/05/2025 (sau 20 tháng) Cục An toàn thực phẩm mới ra quyết định thu hồi

Trong bối cảnh đó, việc thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm – đặc biệt khi doanh nghiệp tự nguyện đề nghị – lẽ ra cần được xử lý trong một khoảng thời gian ngắn hợp lý, chẳng hạn 7–15 ngày làm việc. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 15/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thủ tục và thời hạn xử lý việc thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm TPBVSK. Chính vì vậy, cơ quan quản lý không bị ràng buộc thời gian, dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài, trong khi doanh nghiệp lại có thể gánh chịu thiệt hại về thương hiệu, pháp lý và vận hành.

Vì sao mất gần 2 năm để thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 3.

Việc thu hồi Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Tư vấn Việt Pháp lại được thực hiện rất nhanh sau 8 ngày kể từ ngày có đề nghị của Công ty

Thực tế này cho thấy liệu có tồn tại một khoảng trống pháp lý cần được bổ sung? Việc xây dựng một quy trình rõ ràng, có thời hạn cụ thể cho từng bước xử lý hồ sơ thu hồi sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý, đồng thời tăng tính minh bạch và trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe – một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đầy nhạy cảm và dễ tổn thương trước những sơ hở về mặt pháp lý.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Bình luận