Xuất khẩu 5 tháng và "đích ngắm" 300 tỷ USD

Thị trường
07:42 AM 15/06/2020

Xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020.

Tổng cục Hải Quan mới cho biết, cán cân thương mại hàng hóa trong 5 tháng đầu năm thặng dư 3,53 tỷ USD, gần gấp đôi ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.

Theo đó, giá trị xuất khẩu sơ bộ trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 100 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 96,7 tỷ USD. Xét về cơ cấu, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,4 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu đến 10,9 tỷ USD.


Để cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD năm 2020 trong bối cảnh hiện nay đang là chặng đường khó khăn và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm.

Trong 5 tháng, hoạt động xuất khẩu giảm gần 1% so với cùng kỳ, ghi nhận 18 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng giá trị trên 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện (18,3 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (15,5 tỷ USD) và dệt may (10,5 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ, như dầu thô giảm 26%, xăng dầu giảm 44%, dệt may giảm 14%, sắt thép giảm 11%.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu trong 5 tháng giảm 4,6%. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu hơn 42 tỷ USD, còn lại thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, giá trị nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng áp đảo. Việt Nam nhập khẩu hơn 22 tỷ USD máy vi tính, thiết bị điện tử và linh kiện; gần 14 tỷ USD máy móc, thiết bị; nhập khẩu nguyên liệu dệt may, vải hơn 6,6 tỷ USD.

Số liệu mới công bố của hải quan cao hơn gần 1 tỷ USD về giá trị xuất khẩu, nhưng thấp hơn khoảng 800 triệu USD về giá trị nhập khẩu so với số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê.

Riêng trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 37,35 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,19 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 4/2020, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đạt 18,18 tỷ, giảm 1,9%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 197 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu 96,67 tỷ, giảm 4,6%.

Cùng với đó, trị giá xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam đồng loạt tăng như: Mỹ tăng 700 triệu USD; EU tăng 502 triệu USD; ASEAN tăng nhẹ 22,8 triệu USD… Cũng trong thời gian này, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,43 tỷ USD và tương đương sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Những con số trên cho thấy, hoạt động xuất khẩu trong tháng 5 đã có nhiều khởi sắc và diễn biến tích cực hơn so với tháng 4, trước khi dịch COVID-19 đang từng bước được khống chế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy vậy, để cán mốc 300 tỷ USD trong bối cảnh hiện nay đang là chặng đường khó khăn và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nay đến cuối năm. Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

Do đó, ông Chinh cho rằng trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019 và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là đạt 300 tỷ USD. 

Theo dự báo, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19. Ngoài ra, theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để có thể cán mốc 300 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Linh Nga
Ý kiến của bạn
Bình luận
Rộn ràng không khí Tết nơi "Nóc nhà Đông Dương" Fansipan Rộn ràng không khí Tết nơi "Nóc nhà Đông Dương" Fansipan

Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.