7 thói quen giúp tinh thần bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc
Để giữ được tinh thần tốt và tích cực, hãy thực hiện ngay và đều đặn những cách đơn giản sau.
Sonia Singh, một nhà trị liệu tâm lý chuyên về sức khỏe tinh thần và điều trị lạm dụng chất kích thích với nhiều năm tư vấn cho khách hàng về lối sống cho rằng hầu hết các phương pháp nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần của phương Tây quá nhanh gọn và đem lại cái lợi tức thì cho sức khỏe. Tuy nhiên, các phương pháp này không giải quyết được vấn đề cốt lõi nhằm đảm bảo thể trạng ổn định lâu dài.
Sau đây là những điều mà bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe tinh thần.
1. Ăn các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật
Vài thập kỷ qua, những phát hiện trong ngành nông nghiệp và thực phẩm đã tập trung vào lợi ích lâu dài của thực phẩm nguồn gốc thực vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở đây là thực phẩm tự nhiên, không tinh chế, bao gồm hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Việc ăn các thực phẩm nguồn gốc thực vật ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vi khuẩn và vi sinh vật trong đường tiêu hóa. Thông qua các hormone và dây thần kinh trong não, đường ruột ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng và cảm xúc hạnh phúc.
Khi đường ruột khoẻ mạnh, cơ thể sẽ truyền thông điệp đó đến não và ngược lại. Khi đường tiêu hoá gặp vấn đề, thể trạng và tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc ăn thực phẩm từ thực vật và rau củ sẽ tốn ít năng lượng của cơ thể để tiêu hóa. Điều này sẽ giúp cải thiện tâm trạng và năng lượng trong mỗi chúng ta.
2. Tập thể dục điều độ
Tập thể dục không chỉ tốt cho thể chất mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp làm giảm lo lắng, trầm cảm, tâm trạng tiêu cực. Khi tập thể dục, máu sẽ tăng cường lưu thông trong não và ảnh hưởng đến phản ứng với căng thẳng của hệ nội tiết trong cơ thể. Khi tập thể dục từ 30 phút trở lên, ít nhất ba lần mỗi tuần, bạn có thể đạt được những lợi ích sau: cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, sức bền tốt hơn, cải thiện tâm trạng, tăng năng lượng, sức chịu đựng và sự tỉnh táo.
3. Thực hành lòng biết ơn và suy nghĩ tích cực
Bằng cách thể hiện lòng biết ơn một cách có ý thức, tự nhiên chúng ta sẽ tăng cảm giác hạnh phúc. Khi bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta đang sử dụng các kỹ năng tâm lý để chuyển sự chú ý bên trong khỏi những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực làm giảm sức khỏe tinh thần tới những gì tích cực, tốt đẹp.
4. Luyện tập chánh niệm
Chánh niệm khác với thiền định là bạn sẽ phải chú ý đến những gì đang diễn ra, bên trong và xung quanh bạn. Chánh niệm thúc đẩy nhận thức, suy nghĩ và cảm giác của cơ thể mà không cần phán xét. Bằng cách tập trung và phát triển các kỹ năng giúp bạn hiểu và chấp nhận nội tâm của mình, bạn nuôi dưỡng trạng thái bình an về tinh thần, thúc đẩy sự tập trung hướng tới những gì đang thực sự xảy ra. Chánh niệm là một phương pháp đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ.
5. Tham gia các hoạt động xã hội
Cô lập xã hội là một hình thức sống một mình không lành mạnh. Bạn có thể dễ dàng bị cô đơn, trầm cảm, lo lắng thái quá. Sức khỏe tinh thần và thể chất có mối liên hệ với nhau, vì vậy việc cô lập với xã hội cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như mất ngủ, suy giảm chức năng miễn dịch, tổn hại sức khỏe tim mạch. Cô đơn và thiếu các mối quan hệ xã hội dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và sa sút trí tuệ ở người trưởng thành.
Để chống lại những lo lắng về sức khỏe này, hãy tránh sự cô lập xã hội lâu dài bằng cách duy trì việc tham gia vào các hoạt động xã hội. Điều này giúp cơ thể ổn định và cải thiện tâm trạng cũng như tránh được nhiều rủi ro về sức khỏe. Đối với nhiều người, sử dụng công nghệ như cuộc gọi video, cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn và mạng xã hội có thể giúp bạn kết nối và bớt cảm thấy cô đơn.
6. Quản lý căng thẳng
Căng thẳng là sự gia tăng các chất hóa học nội tiết tố trong não khi trải qua áp lực. Đối phó với căng thẳng là một phần của cuộc sống, đặc biệt vào những thời điểm nhận thấy mối đe dọa hoặc nguy hiểm. Căng thẳng kéo dài dai dẳng có thể gây hại và dẫn đến trầm cảm, lo lắng, khó ngủ, lạm dụng chất kích thích và các vấn đề thể chất như đau mỏi, căng cơ, huyết áp cao, đau đầu, các vấn đề về đường tiêu hóa, suy giảm hệ thống miễn dịch, khó thụ thai, các vấn đề về tim mạch và đột quỵ.
Bạn có thể đối phó với căng thẳng tốt hơn bằng cách sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, giao phó các công việc cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ.
7. Yêu cầu giúp đỡ khi bạn cần
Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi bạn đang vật lộn với tình trạng sức khỏe của mình, hãy liên hệ với chuyên gia để có thể giúp bản thân đối phó với mọi thứ tốt hơn trong thời gian khó khăn. Với các đường dây nóng trợ giúp về sức khỏe ngày nay, bạn chỉ cần thực hiện một cuộc gọi. Sau thời kỳ bùng nổ công nghệ, công nghệ telehealth giúp mọi người dễ dàng tiếp cận bác sĩ trị liệu từ xa. Để truy cập các dịch vụ telehealth cần có địa chỉ email và điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính có camera.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều cách bạn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của mình. Bạn hoàn toàn có thể có được sức khoẻ tinh thần tốt hơn và tiến gần hơn một bước tới cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
Theo: Entrepreneur
Nhật MinhTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.