Bắc Giang: Nông dân thấp thỏm nỗi lo quả vải mất mùa

Địa phương
10:09 AM 15/05/2024

Với hơn 17.300 ha trồng vải, Lục Ngạn (Bắc Giang) là huyện có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước. Thế nhưng không giống như mọi năm, mùa vải năm nay, Lục Ngạn và một số huyện lân cận khác đang đối mặt với tình trạng mất mùa, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người nông dân cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng từ quả vải.

Tại xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn vào những ngày đầu tháng Năm, chúng tôi tìm đến vườn vải nhà ông Dương Văn Nhiên (SN 1967) - một trong những người trồng vải có diện tích lớn nhất vùng. Ông không thể giấu nổi nỗi buồn trên khuôn mặt khi nói về vườn vải của ông trong năm nay.

Ông Nhiên cho biết, gia đình ông hiện có khoảng 1.000 cây vải thiều, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30 đến 35 tấn quả vải, nhưng năm nay mất mùa, nhiều cây không ra hoa, cây có thì lác đác vài quả.

Kể từ năm 1990 bắt đầu trồng vải, sau vài năm đầu khó khăn, ông tìm hiểu và áp dụng phương pháp trồng mới thì khoảng 30 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông cũng thu về hàng trăm triệu đồng nhờ bán quả vải thiều. "Có năm giá thành quả vải cao, sản lượng tốt, tôi thu về khoảng 7 đến 8 trăm triệu đồng/vụ, bình thường thì khoảng 2 đến 3 trăm triệu đồng/vụ. Mọi năm mỗi khi vải thiều chín, cả vườn đỏ rực, sai trĩu quả, nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh đông vui lắm. Mỗi vụ vải thiều, tôi phải thuê hàng chục người làm giúp", ông Nhiên chia sẻ.

Tuy nhiên năm nay, thời điểm cây ra hoa, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy hình thành quả vải thiều. Mặc dù, ông Nhiên đã sử dụng nhiều cách khác nhau để giữ hoa nhưng dường như vẫn mất trắng. "Chưa năm nào tôi thấy mất mùa đáng sợ như năm nay, cả vùng chỉ có vài nhà được. Gia đình tôi thì dường như mất trắng, năm nay chắc chỉ được khoảng 10% sản lượng quả vải so với năm ngoái. Nếu giá vải thiều cao thì hòa vốn phân bón, thuốc diệt sâu bọ đã đầu tư cho cây vải thiều", ông Nhiên buồn bã cho hay.

Bắc Giang: Nông dân thấp thỏm nỗi lo quả vải mất mùa- Ảnh 1.

Những vườn vải không có màu đỏ như mọi năm ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Ảnh: Vân Đức/ĐS&PL

Cũng như ông Nhiên, gia đình ông Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải trồng hơn 2 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Những năm trước, bình quân vườn vải này cho thu khoảng gần 200 triệu đồng/năm thì năm nay cả khu vườn gần như mất trắng vì cây không ra hoa. Ông Hùng cho biết, mấy chục năm trồng vải nhưng chưa khi nào vải mất mùa toàn bộ vườn như năm nay, trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình đều trông vào cây vải này nên kinh tế của gia đình sẽ gặp khó khăn.

Theo quan sát và tìm hiểu, các vườn vải lân cận nơi đây cũng trong tình trạng cây không có quả, cây thì lác đác vài quả. Nhiều người dân cho rằng vải thiều mất mùa do bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Tại huyện Lục Nam, nhiều vườn vải nơi đây cũng không khác gì so với tình trạng của các vườn vải ở huyện Lục Ngạn, cả vườn chỉ lác đác vài cây có quả vải, nhiều cây không quả, cây thì lưa thưa ít.

Ông Lương Thế Kỳ (67 tuổi) cho biết, ông là một trong những người đầu tiên trồng vải ở đây. Thời bấy giờ cây vải cho sản lượng lớn, giá thành cao nên nhiều người trong làng cũng trồng theo.

Bắc Giang: Nông dân thấp thỏm nỗi lo quả vải mất mùa- Ảnh 2.

Ông Lương Thế Kỳ bên vườn vải gần như không có trái nào. Ảnh: Vân Đức/ĐS&PL

Ông cho biết thêm, ngay từ khi nhận biết cây vải có dấu hiệu không ra hoa, ông đã sử dụng đủ các phương pháp nhưng vẫn không hiệu quả. "Từ trước đến nay chưa năm nào vải thiều mất mùa như năm nay mất trắng, cây lác đác vài quả chỉ đủ để ăn. Ở đây một số nhà được, còn lại dường như mất hết", ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, áp dụng kĩ thuật chỉ là một phần, nguyên nhân chính dẫn đến việc vải thiều mất mùa là do thời tiết tác động làm ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng của quả vải.

Bắc Giang: Nông dân thấp thỏm nỗi lo quả vải mất mùa- Ảnh 3.

Cây vải thiều chỉ lác đác quả. Ảnh Vân Đức/ĐS&PL

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mùa đông năm 2023-2024 mặc dù vẫn có các đợt lạnh dưới 10oC, nhưng so với trung bình nhiều năm thì nền nhiệt cao hơn khoảng 1,5oC, điều này đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải. Ngoài ra, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 lại xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất lên cao dẫn đến cây vải ra lộc sớm trên diện rộng và làm giảm mật độ ra hoa, tỷ lệ ra hoa vải thiều chính vụ toàn huyện Lục Ngạn chỉ đạt từ 10 đến 20%.

PV
Ý kiến của bạn
Bình luận
Rộn ràng không khí Tết nơi "Nóc nhà Đông Dương" Fansipan Rộn ràng không khí Tết nơi "Nóc nhà Đông Dương" Fansipan

Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.