Bảng chi tiêu viết tay của cô vợ Hà Nội được ngàn người đồng cảm

Nội dung liên kết
07:41 PM 16/07/2025

Chi tiêu thế này ở Hà Nội là quá khéo rồi!

Sống ở thành phố lớn, chi phí thường đắt đỏ hơn nên khó tiết kiệm cũng không phải chuyện gì quá lạ lẫm hay sai trái. Nhưng với không ít người, việc không tiết kiệm được nhiều cũng không đáng buồn hay đáng lo bằng cảm giác không được bạn đời tin tưởng. Sự nghi ngờ "em tiêu gì mà hết tiền" là điều không ai muốn phải nhận, vậy mà...

Chồng đưa 12,5 triệu đồng/tháng và luôn hỏi "sao không tiết kiệm được?"

Đây là tâm sự của một cô vợ đang ở Hà Nội. Không than vãn kể khổ hay giãi bày dài dòng, cô chỉ viết đúng một câu nhưng lại khiến hàng ngàn người đồng cảm: "Chồng em tháng nào đưa tiền cũng bảo sao tháng trước đưa hơn chục triệu mà lại tiêu hết, không tiết kiệm được đồng nào".

Bảng chi tiêu viết tay của cô vợ Hà Nội được ngàn người đồng cảm- Ảnh 1.

Bức ảnh ghi chép chi tiêu do cô đăng tải

Tình hình chi tiêu của gia đình này có thể tóm tắt như sau: Tổng ngân sách 18,5 triệu đồng/tháng. Trong đó 6 triệu đồng là lương của cô và 12,5 triệu đồng là tiền chồng đưa. Thu nhập của người chồng là 18 triệu đồng, tuy nhiên anh giữ lại tổng cộng 5,5 triệu đồng để đóng tiền điện nước, đổ xăng và chi tiêu cá nhân.

Bảng chi tiêu viết tay của cô vợ Hà Nội được ngàn người đồng cảm- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Với khoản tiền 18,5 triệu đồng để trang trải chi phí cho cả gia đình hàng tháng, cô vợ phân bổ như sau:

- Tiền học của con: 2,1 triệu đồng

- Tiền ăn sáng của 2 mẹ con và tiền ăn tối của cả nhà: 3,2 triệu đồng

- Tiền mua sữa cho con, hoa quả cho cả nhà: 700.000 đồng

- Tiền xăng xe: 200.000 đồng

- Tiền đưa con đi chơi: 1,5 triệu đồng

- Tiền phát sinh: 1 triệu

- Tiền thuốc, mua sắm lặt vặt trong nhà: 1,3 triệu đồng

- Tiền trả nợ: 7 triệu đồng, trong đó 5 triệu đồng trả ngân hàng, 2 triệu đồng trả lãi vay ngoài.

Trong phần bình luận của bài đăng này, phần lớn mọi người đều dành lời khen cho cách quản lý chi tiêu của cô vợ. Ở Hà Nội mà chỉ tiêu hết 18,5 triệu đồng/tháng cho gia đình 2 người lớn, 1 trẻ con là rất ổn rồi. Điều đáng buồn chính là vì người chồng không trực tiếp cầm tiền đi chợ, cân đo đong đếm từng đồng nên mới lỡ lời buông 1 câu khiến vợ chạnh lòng đến vậy.

"Đưa vợ 12 triệu rưỡi mà tưởng đâu 120 triệu không đó... Bạn thử để chồng lo cho cả nhà 1 tháng xem, tháng đó không thu lương của chồng nữa, để anh tự xoay sở tự lo. Bạn và con chi tiêu trong 6 triệu tiền lương của bạn thôi, xem sau 1 tháng có dám hỏi vợ như thế nữa không" - Một người bày cách.

"Nếu đã đưa bản chép tay này cho chồng mà chồng vẫn cứ hỏi sao không tiết kiệm được thì đúng chẳng còn gì để nói. Ở Hà Nội mà tiền ăn sáng với ăn tối hết có 3,2 triệu thì phải là rất khéo. Tính ra mỗi sáng 2 mẹ con ăn sáng hết có 40 nghìn... quá ít ấy chứ" - Một người bày tỏ.

Vợ chồng bất đồng chuyện tiền bạc, phải làm sao?

1 - Đi tìm gốc rễ vấn đề

Không ít cặp vợ chồng tưởng rằng mình cãi nhau vì một khoản chi tiêu nào đó nhưng thực chất, mâu thuẫn về quan điểm xài tiền chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó là sự khác biệt trong giá trị sống, thói quen tài chính, cảm giác bất an về vai trò trong gia đình, hoặc thậm chí là những kỳ vọng chưa được nói ra.

Trước khi tìm cách khắc phục, điều quan trọng nhất có lẽ là cả hai phải nhận diện được gốc rễ của vấn đề. Nếu không, mỗi lần nói về tiền sẽ là một lần mâu thuẫn lặp lại dù con số trong tài khoản có là bao nhiêu đi chăng nữa.

2 - Lập ngân sách chung một cách rõ ràng và minh bạch

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm xung đột tài chính giữa hai vợ chồng là cùng nhau xây dựng một ngân sách chung. Đơn cử là việc xác định rõ mỗi tháng chi bao nhiêu, cho việc gì, khoản nào là thiết yếu, khoản nào dành cho sở thích cá nhân, khoản nào để tiết kiệm và đầu tư,...

Khi mọi thứ đã được thống nhất rõ ràng, những cuộc tranh luận kiểu "tại sao em lại mua cái này?", "lý do gì anh sắm cái kia?",... sẽ giảm đi đáng kể vì mọi chi tiêu đều đã được định hướng từ trước. 

Bảng chi tiêu viết tay của cô vợ Hà Nội được ngàn người đồng cảm- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngân sách rõ ràng cũng giúp tạo cảm giác cân bằng trong việc đóng góp tài chính, mỗi người biết mình có trách nhiệm gì, có quyền quyết định ở mức nào. Quan trọng hơn, nó cho thấy rằng vợ chồng đang đồng hành cùng nhau chứ không phải đang ở 2 chiến tuyến đối nghịch.

3 - Thiết lập quỹ chi tiêu cá nhân

Một sai lầm phổ biến khiến vợ chồng mâu thuẫn về tiền là gộp tất cả tài chính vào một mối và kiểm soát lẫn nhau.Thực tế, bên cạnh tài khoản chung để chi tiêu cho gia đình, mỗi người nên có một khoản riêng, có thể không nhiều nhưng đủ để cảm thấy mình vẫn có quyền tự do cá nhân.

Điều này đặc biệt quan trọng khi một người không đi làm hoặc thu nhập thấp hơn người còn lại. Một chút tự do tài chính lành mạnh sẽ nuôi dưỡng sự tôn trọng và thoải mái trong hôn nhân, hơn là khiến cả hai phải luôn xin phép hoặc báo cáo cho nhau mọi khoản chi tiêu nhỏ.

4 - Trò chuyện để tìm ra giải pháp chứ không đổ lỗi

Những cuộc nói chuyện về tiền bạc rất dễ biến thành cuộc thảo luận xem ai đúng, ai sai, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc cố gắng kiểm soát đối phương,... Nhưng nếu nghĩ sâu và nghĩ rộng hơn, việc phân định đúng - sai trong hoàn cảnh này chỉ khiến mâu thuẫn thêm dày, tình cảm vợ chồng càng dễ sứt mẻ.

Thế nên học cách nói với nhau về tiền mà không công kích, không đổ lỗi là một kỹ năng sống còn trong hôn nhân. Phải nhớ cuộc đối thoại về tiền không nên là một cuộc chiến, mà là quá trình cùng nhau tìm tiếng nói chung dù ban đầu có thể mỗi người một quan điểm, một suy nghĩ chẳng giống nhau.

NGỌC LINH
Từ khóa: chi tiêu
Ý kiến của bạn
Bình luận
Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025 Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài chính đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2025.