Cần thêm giải pháp tăng thu thuế thương mại điện tử
Theo nhận định của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa giải quyết được việc thu thuế với nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử.
Sáng 23/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo luật này có 4 chương, 20 điều.
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là việc thu thuế với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên nền trảng số.
Theo tờ trình, Chính phủ bổ sung quy định để tăng quyền thu thuế thu nhập của các nhà cung cấp nước ngoài, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Theo đó, quyền thu thuế này sẽ không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh, để mở rộng phạm vi thu thuế.
Dự thảo luật không quy định cụ thể việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên nền tảng số và giao Chính phủ quy định.
Tại phiên họp, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo luật - cho rằng thực tế kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm "cơ sở thường trú" trong luật hiện hành. Tức là, các quy định hiện nay chưa đáp ứng được thực tế của kinh doanh sử dụng "cơ sở thường trú ảo" - không có hiện diện vật lý.
Tuy nhiên, khái niệm về cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa được thay đổi khi sửa luật lần này. Theo đó, các cơ sở này vẫn là chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy; đại lý, đại diện có thẩm quyền đứng tên ký hợp đồng của doanh nghiệp nước ngoài... Điều này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phân tích thêm các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu thuộc các nước đã ký Hiệp định tránh thuế hai lần với Việt Nam. Tức là, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế với thu nhập phát sinh của doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp họ có cơ sở thường trú tại đây.
Ông Mạnh đề xuất, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác. Việc này nhằm đảm bảo việc thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, tăng 10 nhà cung cấp so với tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Tính đến giữa tháng 8, họ đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Số này bằng 125% so với dự toán giao năm nay. Với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp gần 18.000 tỷ đồng.
Hiện 6 nhà cung cấp nước ngoài, gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Trong 10 ngày đầu tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 66.907 tỷ đồng. Đà tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng đang chậm lại, mới chỉ có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động (và một ngân hàng giảm lãi suất huy động).