Cảnh Báo: Không sử dụng mỳ chính Famimoto trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Ngày 27/4/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 902/ATTP-KN gửi Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ về việc xử lý sản phẩm mỳ chính giả mang thương hiệu công ty TNHH Famimoto Việt Nam.

Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm
Trước đó, sáng 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, cơ quan công an đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, san chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và hơn 1.593.513 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói. Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Đáng chú ý, các sản phẩm hàng giả trên đã được Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động.

Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, ảnh Công an tỉnh Phú Thọ
Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty TNHH Famimoto Việt Nam thực hiện sang chiết, san chia, đóng gói nhiều sản phẩm mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh có dấu hiệu sản xuất hàng giả. Với quyết tâm ngăn chặn không để các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là các sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khẩn trương điều tra, nhanh chóng bắt giữ các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, ảnh Công an tỉnh Phú Thọ
Bước đầu Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty khai nhận: Mì chính và dầu ăn nguyên liệu mua của Công ty TNHH thương mại Quang Thanh, địa chỉ tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội sau đó tiến hành san chia, đóng gói cho vào 02 loại bao bì mang nhãn hiệu "Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore", và "Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản". Với mặt hàng dầu ăn, sau khi mua về, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành sang chiết, rót vào chai thành hai loại là "Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore" và "Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore". Về nguyên liệu để sản xuất "Bột canh cao cấp Hà Nội" và "Hạt nêm Bếp Hồng Việt", Công ty TNHH Famimoto Việt Nam mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau, sau đó phối trộn với tỉ lệ nhất định, thực hiện một số công đoạn như tạo hạt, sấy khô… rồi đóng trong các túi nilon với quy cách 400g/túi đối với bột canh và 5 kg/túi đối với hạt nêm. Tất cả các sản phẩm trên, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành tự công bố sản phẩm. Theo kết quả trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an Giám định về thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp và hạt nêm nói trên do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đóng gói và sản xuất đều không đạt so với các chỉ tiêu Công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.

Công văn 902/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm về việc xử lý sản phẩm mỳ chính giả mang thương hiệu công ty TNHH Famimoto Việt Nam
Theo nội dung công văn, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị chức năng địa phương tiến hành các công việc sau: Rà soát hồ sơ tự công bố sản phẩm mỳ chính của công ty TNHH Famimoto Việt Nam; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tổ chức thu hồi toàn bộ sản phẩm mỳ chính giả hiện còn lưu hành trên thị trường; Phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân và các đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể không sử dụng sản phẩm mỳ chính của công ty TNHH Famimoto Việt Nam cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, ảnh Công an tỉnh Phú Thọ
Sự việc tại Famimoto Việt Nam đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, công bố sản phẩm đến lưu thông trên thị trường. Việc rà soát hồ sơ tự công bố sản phẩm phải được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột" – chỉ kiểm tra trên giấy tờ mà không kiểm định thực tế. Cơ quan chức năng cần có những cuộc kiểm tra đột xuất, xét nghiệm mẫu sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, phân phối. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp vi phạm, không chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính mà còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nhận diện sản phẩm an toàn. Cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi những cửa hàng uy tín; kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng và các dấu hiệu bất thường. Đồng thời, nếu phát hiện sản phẩm nghi ngờ giả mạo, người dân cần mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng để góp phần làm sạch thị trường.
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP,hàng giả bao gồm:
a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ, với kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp.