Chu Gia Trác Mộc tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”

Doanh nghiệp
06:36 AM 23/12/2024

Chiều 22/12, trong khuôn viên thiết kế truyền thống thấm đẫm yếu tố hoài cổ của Chu Gia Trang ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc trang trọng tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân điêu khắc gỗ, đại diện doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có niềm đam mê mãnh liệt dành cho gỗ lũa và điêu khắc gỗ lũa.

Chu Gia Trác Mộc tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”- Ảnh 1.

Ông Chu Văn Ân - nhà sáng lập Chu Gia Trác Mộc phát biểu tại Tọa đàm.

Đặc biệt, Tọa đàm còn có sự góp mặt của các bậc cao niên ở các huyện Thạch Thất - Quốc Oai, những người từng dấn thân cùng dân tộc trong nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây cũng là sự tri ân mà Chu Gia Trác Mộc cùng đại diện Chu Gia Trang dành cho các thế hệ cha anh, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Chu Văn Ân - nhà sáng lập Chu Gia Trác Mộc cho biết: Điêu khắc gỗ lũa là một nghề đòi hỏi sự say mê và sáng tạo. Trong nhiều năm qua, các nghệ nhân của Chu Gia Trác Mộc đã kiên trì và bền bỉ thổi hồn vào những gốc cây, thân gỗ xù xì không sức sống; tái sinh, biến chúng thành những tác phẩm đẹp, mang đậm dấu ấn triết lý nhân sinh. Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo, nghệ nhân Chu Gia Trác Mộc đã tạo nên những tác phẩm thấm đẫm chất nghệ thuật; nâng niu, gìn giữ giá trị và vẻ đẹp vượt thời gian của gỗ lũa.

Với tâm nguyện bảo tồn và tôn vinh gỗ lũa - loại gỗ quý có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao trong trang trí, Chu Gia Trác Mộc đã mang gỗ lũa từ thế giới của thiên nhiên hoang dã, gia nhập vào cuộc sống tinh thần của con người, thông qua nhiều tác phẩm độc bản, như: "Đức Phật ngự liên hoa", "Đức mẹ Maria về trời", "Thần trà gỗ lũa", "Đấng chăn chiên nhân lành"; hay những tác phẩm non bộ: "Đồng quê Bắc bộ", "Miền núi Tây Bắc", "Quần ngư hý liên hoa",… Đây là những tác phẩm kết hợp tinh tế giữa trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân có thế giới quan nghệ thuật mang đậm dấu ấn Chu Gia Trác Mộc.

Chu Gia Trác Mộc tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”- Ảnh 2.

GS.TS Phạm Văn Chương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp phát biểu tại Tọa đàm.

Trong hành trình phát triển thương hiệu Chu Gia Trác Mộc, nhà sáng lập thương hiệu - ông Chu Văn Ân đã luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới, khai thác tối đa vẻ đẹp đa chiều của gỗ lũa. Với ý tưởng xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới bằng giá trị độc bản của tác phẩm, ông Chu Văn Ân cùng Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc đã quyết định sẽ thực hiện 01 tác phẩm điêu khắc gỗ lũa đặc biệt, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Tác phẩm sẽ được thực hiện trong 07 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 9/2025.

Nói về ý tưởng hình thành tác phẩm này, ông Chu Văn Ân cho biết: Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là sự kiện có giá trị, vị trí, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn; giúp bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc sẽ thực hiện tác phẩm điêu khắc gỗ lũa đặc sắc, có bố cục và nội dung như sau:

Bố cục chính của tác phẩm - hòn non bộ (kích thước 8m x 2m x 3,8m) được chia làm 02 khối. Khối 1: phần đế, chậu chứa nước, hình dáng là con thuyền lớn. Khối 2: phần thân, thể hiện có núi, nước, cây cối, phần đất canh tác (Tam sơn Tứ hải nhất phần điền). Tác phẩm có 02 mặt chính. Mặt A: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và hành trình Người đi tìm đường cứu nước, đến khi người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt B: nơi hội tụ bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em, thể hiện ba miền, nói về phong phong tục tập quán (54 dân tộc cùng chung một con thuyền),...

Chu Gia Trác Mộc tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”- Ảnh 3.

Đại diện Chu Gia Trác Mộc cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân điêu khắc gỗ, đại diện doanh nghiệp,... chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Để tác phẩm có thể hoàn thành đúng thời hạn và đạt được thành quả nghệ thuật sống động, lan truyền cảm xúc đến người thưởng lãm, Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc mong muốn nhận được những ý kiến đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế,… tại Tọa đàm này. Để có thể hiểu hơn về gỗ lũa và các ứng xử với chất liệu gỗ lũa; để triển khai ý tưởng; tìm ra nét tương đồng giữa vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên và sự hài hòa với tác phẩm;... Chu Gia Trác Mộc cũng mong muốn được lắng nghe những nghệ nhân - những người trực tiếp tạo nên tác phẩm; để thấy được óc thẩm mỹ và mắt nhìn của người điêu khắc; thấy được sự hài hòa trong các khâu chọn phôi gỗ, phá thô, làm tinh sảo sắc nét và hoàn thiện sản phẩm.

Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Văn Chương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp bày tỏ quan điểm ủng hộ rất cao đối với chủ đề chính của tác phẩm là khắc họa dấu ấn Ngày thành lập nước và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - đây là chủ đề nhân văn, thể hiện trách nhiệm với đất nước của các thành viên Chu Gia Trác Mộc. Tuy nhiên, để truyền tải chủ đề này vào gỗ lũa không hề đơn giản. GS.TS Phạm Văn Chương lưu ý việc bản chất của gỗ lũa rất cứng, từng nhát dao, đường khắc của nghệ nhân cần có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ gọt giũa, quan trọng là phải giữ được đường nét tự nhiên của cây gỗ. Cần lưu ý đến việc bảo tồn nguyên trạng gỗ lũa, hạn chế đắp thêm, cắt đi,... để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, sáng tác nghệ thuật phải trên cơ sở tôn trọng cái có sẵn.

Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS. TS Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp đánh giá cao ý tưởng hình thành tác phẩm của ông Chu Văn Ân cùng cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc. PGS. TS Bùi Thế Đồi lưu ý khi thực hiện tác phẩm, xem xét lấy chủ đề đất nước làm trục chính. Trong trục chính đó sẽ có hình ảnh Bác - bởi lịch sử Việt Nam luôn gắn liền với Bác, luôn có dấu ấn đậm nét về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Bên cạnh đó, ý tưởng về 54 dân tộc anh em, khi trình bày trên tác phẩm, không nhất thiết phải thể hiện đồng bộ trên một hình khối, mà có thể đan xen, để thể hiện mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Chu Gia Trác Mộc tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ lũa”- Ảnh 4.

Ông Chu Văn Ân - đại diện Công ty Cổ phần Chu Gia Trác Mộc chào đón các đại biểu, khách mời tham dự Tọa đàm tại Chu Gia Trang.

Xuyên suốt Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thiết kế, các nghệ nhân điêu khắc gỗ,... đã cùng đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, bám sát chủ đề mà người sáng lập Chu Gia Trác Mộc đề xuất. Về cơ bản, các chuyên gia cùng thống nhất việc hình thành tác phẩm cần dựa trên những hình dạng, đường nét tự nhiên của gốc lũa. Và hơn hết, những người nghệ nhân thực hiện tác phẩm cần tôn trọng chất gỗ nguyên sơ, thêm vào đó phải có dấu ấn riêng của óc thẩm mỹ và mắt nhìn của người điêu khắc - người nghệ sỹ, thêm bớt chi tiết sao cho tác phẩm thật sinh động, có hồn.

Tin tưởng rằng, nét độc đáo không có phiên bản thứ hai của tác phẩm điêu khắc gỗ lũa đặc biệt nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mà Chu Gia Trác Mộc ấp ủ thực hiện, sẽ là phiên bản đầy trí tuệ và thấm đẫm chất nghệ thuật. 

Tác phẩm sẽ được hoàn thành đúng thời hạn, được các chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao và trở thành tác phẩm tiêu biểu mang đậm dấu ấn Chu Gia Trác Mộc, xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới, nỗ lực đem đến những giá trị vĩnh hằng của dân tộc và mỹ thuật điêu khắc truyền thống. 

Chúng ta cùng chờ đợi được chiêm ngưỡng tác phẩm lớn tôn vinh vẻ đẹp của lòng biết ơn thiên nhiên, đất nước - giang sơn gấm vóc, lãnh tụ Hồ Chí Minh - Vị cha già của dân tộc từ các nghệ nhân xứ Đoài Chu Gia Trác Mộc.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Bình luận