Giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12%

Thị trường
08:33 AM 23/07/2024

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.

Cơ hội cho xuất khẩu gạo khởi sắc trong nửa cuối năm là rất lớn. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây.

Philippines gia tăng nhập khẩu gạo, đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.

Tại Philippines, gạo Việt Nam chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu, kế đến là Thái Lan với 10%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng gạo Philippines nhập khẩu từ Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn, Thái Lan đứng thứ 2 với hơn 352.000 tấn. Chính vì vậy, việc Philippines tăng nhập khẩu gạo sẽ là cơ hội thị trường rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các doanh nghiệp so với các nguồn cung khác thì Việt Nam có lợi thế về địa lý nên cước phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng ngắn. Quan trọng nhất là chất lượng và giá gạo Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, và có thể thu về hơn 5 tỷ USD.

Trong nửa đầu tháng 7, cùng với đà tăng giá gạo, giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng thuộc nhóm nông sản cũng tăng, góp phần đẩy kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Hàng rau quả có kim ngạch lớn nhất với 238 triệu USD, tuy nhiên đây lại là mặt hàng có mức tăng trưởng thấp nhất tăng 0,5% so với cùng năm trước.

Hạt điều mang về kim ngạch lớn thứ hai với 196 triệu USD, tăng tới 39% so với cùng năm trước. Đà tăng về kim ngạch mặt hàng này diễn ra cùng với tăng trưởng về lượng với tăng 28% so với cùng năm trước, từ 24.911 tấn lên 32.096 tấn. Nửa đầu tháng 7/2024, giá xuất khẩu hạt điều bình quân đạt 6.119 USD/tấn, tăng 8% so với mức 5.644 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước.

Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm sâu 40% so với cùng năm trước, từ 53.925 tấn xuống 32.041 tấn. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng tới 75% so với cùng năm trước, đạt 4.944 USD/tấn đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên 158 triệu USD, tương ứng tăng 4,1% so với cùng năm trước.

Hạt tiêu là mặt hàng có mức tăng về giá xuất khẩu cao nhất, tăng 55% so với cùng năm trước, từ 3.686 USD/tấn lên 5.727 USD/tấn. Khối lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng 53% so với cùng năm trước, đạt 10.796 tấn, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu lên 61 triệu USD, tăng tới 137%. Đây cũng là mặt hàng duy nhất có kết quả tăng trưởng 3 con số về kim ngạch trong nhóm hàng nông sản.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.