Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024

Tài chính - Đầu tư
08:30 AM 27/11/2024

Bước vào giai đoạn cuối năm, các đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội đang tiếp tục tăng cường các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho nền kinh tế Thủ đô phát triển.

Việc thực hiện có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay đã đóng góp tích cực cho các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng của thành phố đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2024 ước đạt 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.

Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều đơn vị còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khó khăn trong xác định mức giá đền bù, hạn chế về năng lực của nhà thầu... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của toàn thành phố.

Theo báo cáo của các đơn vị đến thời điểm ngày 15/11, 174 dự án (101 dự án cấp thành phố, 73 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ) được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó nhiều dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Trong số 101 dự án cấp thành phố, 77 dự án vướng mắc về GPMB. Dự kiến 42/77 dự án không giải ngân hết số vốn là 2.840 tỷ đồng. Đối với các dự án sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ, cả 73 dự án báo cáo khó khăn, vướng mắc về GPMB. Dự kiến 17/73 dự án không giải ngân hết số vốn là 173 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 3929/UBND-KTTH về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện, các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cụ thể, từng chủ đầu tư nỗ lực, quyết tâm cho việc giải ngân kế hoạch vốn cuối năm; khắc phục khó khăn, vướng mắc (hiện chủ yếu là giải phóng mặt bằng); tập trung vào các dự án dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án lớn, các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế thi công - dự toán, tổ chức đấu thầu, khởi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân kế hoạch vốn đã giao.

UBND thành phố cũng yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp, tham mưu UBND thành phố giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường của các dự án (gồm cả các dự án cấp thành phố và các dự án cấp huyện) theo thẩm quyền

Sở này cũng tham mưu UBND thành phố giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm. Trong đó hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND cấp huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất tái định cư, đánh giá tác động môi trường, giải quyết các khó khăn về GPMB, phương án tái định cư…

Sở Xây dựng chủ trì tham mưu UBND thành phố xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quỹ nhà tái định cư; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

Các quận, huyện, thị xã tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, đặc biệt là các dự án cấp thành phố giao cho quận, huyện làm chủ đầu tư hiện tỷ lệ giải ngân còn chậm, dự kiến một số dự án sẽ không giải ngân hết hoạch vốn được giao.

Đồng thời, tập trung nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là các đơn vị dự kiến hụt thu nhiều tiền sử dụng đất, như: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây. Một số địa bàn có nguồn thu tốt, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn…

Huyền My
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.