Hà Nội luôn xứng đáng là 'trái tim' của cả nước
70 năm đã trôi qua, nhưng Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn luôn là mốc son trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Phát huy khí thế hào hùng của những ngày tháng lịch sử, giờ đây Hà Nội đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là Thủ đô - trái tim của cả nước.
Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
Theo các tư liệu lịch sử, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Quyết sách của niềm tin
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Đây là quyết sách tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế của Thủ đô, của đất nước 100 triệu dân đang vươn lên mạnh mẽ sau hơn 3 thập kỷ thống nhất và hơn 2 thập kỷ đổi mới.
Sự kiện có ý nghĩa to lớn này thể hiện sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, linh thiêng và hào hoa, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình...
16 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận” và triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội với nhiều thành tựu nổi bật. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to lớn hơn; đặc biệt là có chiều sâu hơn, đem lại những giá trị cải thiện đời sống nhân dân ngày càng cụ thể, thiết thực. Thành phố đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thành phố Hà Nội được quốc tế vinh danh và công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Theo số liệu mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 17/8, GRDP của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324.000 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.
Hà Nội xây dựng NTM về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Theo đó, TP đã bố trí 7.700 tỷ đồng cho xây dựng NTM với kết quả đến nay: 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là một thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều, bền vững trên toàn địa bàn TP. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03% và đã có 18/30 quận, huyện, thị xã của TP không còn hộ nghèo.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội, trong đó, đã có một chuyên đề về phát triển văn hóa. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước.
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, CCHC, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, DN đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng TP thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…); Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…
Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, TP.
Đặc biệt, Hà Nội đang đứng trước cơ hội mới, vận hội mới khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024. Điều quan trọng nhất, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc, tồn tại và một số Luật khác liên quan, tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước tiến lên.
Vững vàng con đường phát triển chiến lược
70 năm sau Ngày Giải phóng, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã nêu cao ý chí tự cường, phấn đấu, lao động, sáng tạo không mệt mỏi, giành được những thành tựu to lớn, từng bước hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong đời sống thực tiễn.
Giờ đây, Thủ đô đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; có môi trường thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương. Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quý báu. Đó chính là tiền đề vững chắc để Hà Nội bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến, hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dù kinh tế - xã hội của Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc nhưng trong tâm thế và ý thức không ngừng nỗ lực vươn tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn luôn tự giác đánh giá, nhìn nhận khách quan về những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại.
Tại hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” diễn ra vào ngày 7/10, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, phát triển Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, tạo động lực phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới, Hà Nội phải tiếp tục đi đầu cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hoà giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa, để văn hoá, con người là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển Thủ đô.
Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội phải là hình mẫu của nỗ lực đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; đi tiên phong trong việc phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số.
Cần khai thác sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, hoàn thiện thể chế quản trị đô thị hiện đại, mang đẳng cấp khu vực và toàn cầu.
Quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội đoàn kết thống nhất, thật sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện; như lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.
Cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra; khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, huy động được nguồn lực to lớn của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước đưa công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Hà Nội lên những tầm cao mới.
Trong không khí hân hoan những ngày mùa Thu tháng 10 lịch sử - ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, với những thành tựu đã đạt được sau 70 năm sẽ là tiền đề quan trọng để cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô có thêm sức bật mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tới. Qua đó, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp và xứng tầm là Thủ đô - trái tim của cả nước.
Huyền TrangTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.