Hà Nội: Nhiều sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen
Thành phố Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Lũy kế đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.
Sen, loài cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ làm nên nét đẹp rất riêng của Thủ đô mà còn đóng góp quan trọng vào nền kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái của Hà Nội. Những năm gần đây, Hà Nội đã khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích đất thấp trũng và đất ruộng bỏ hoang hóa lâu năm sang trồng sen.
Theo thống kê, diện tích trồng sen tập trung trên địa bàn thành phố hiện nay lên tới trên 600 ha, tập trung tại các địa phương như Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Quốc Oai.
Tại Hội thảo Bảo tồn và Phát triển Hoa sen Việt Nam diễn ra chiều 12/7 trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.
Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm... Từ khu vực trồng sen Bách Diệp hồ Tây và một số hộ ướp trà sen truyền thống khu vực quận Tây Hồ đơn lẻ, hiện sen Bách Diệp và nghệ thuật ướp trà đã được nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Ngay trong “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024 được khai mạc tối 12/7, du khách được giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản về sen; tham quan các khu trải nghiệm về sản phẩm sen (tranh, ảnh, sơn mài, thơ ca); khu trưng bày không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm như hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, thủ công mỹ nghệ về sen, sản phẩm trang trí từ sen, trưng bày một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội nói chung, Tây Hồ nói riêng. Thông qua lễ hội, du khách hiểu biết thêm về nét đặc trưng riêng có của văn hoá sen trong đời sống người Việt và có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen.
Thời gian qua, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm từ cây sen mang lại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) lưu giữ, phục tráng, phát triển nguồn gen sen quý của Hà Nội và lai tạo, nhập nội, đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới.
Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.
Căn cứ vào Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó có nhiều chính sách đột phá sẽ tạo động lực cho ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển, điển hình như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh, bao gồm có cây sen.
Theo đó, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen. Bên cạnh việc đưa giống hoa sen mới, chất lượng cao vào sản xuất, thành phố cũng tăng cường liên kết hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây sen kết hợp du lịch sinh thái.
Theo định hướng này, thành phố chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao quá trình canh tác, chế biến sản phẩm OCOP từ cây sen và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả, đất bỏ hoang lâu năm sang trồng sen đa giá trị. Mục tiêu là nâng cao giá trị và tính bền vững của sản phẩm nông nghiệp, trong đó sen được coi là cây trồng có giá trị kinh tế, mang nét văn hóa đặc sắc với tiềm năng cao thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Huyền MyGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.