Hà Nội: Tập trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo an toàn đê điều

Địa phương
10:52 AM 12/09/2024

Lũ trên các sông Hồng, sông Đuống, sông Đà đoạn chảy qua TP. Hà Nội đang có xu hướng xuống. Hà Nội đang tích cực khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông, nhất là hệ thống sông Hồng.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung du và Đồng bằng bắc bộ, ngày 11/9, thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 19h ngày 10/9 đến 19h ngày 11/9 các nơi phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi lớn hơn 113mm.

Tại thời điểm 18h00 ngày 11/9/2024, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện các điểm úng ngập. Để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, hạ mực nước đệm trên hệ thống, các công ty thủy lợi, đến 19h ngày 11/9/2024, đã vận hành 194 trạm bơm tiêu với 660 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.931m3/h.

Hà Nội: Tập trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo an toàn đê điều- Ảnh 1.

Một xã ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị cô lập do ngập lụt.

Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty đã vận hành mở đập Thanh Liệt thời điểm 04h45 (thời điểm mở mực nước 3,38/5,62). Do có mưa lớn khu vực nội thành, Công ty đã đóng đập Thanh Liệt lúc 10h00 để tiêu cho khu vực nội thành (thời điểm đóng mực nước 4,55/5,08). Trạm bơm Yên Sở hiện đang vận hành 19/20 bơm.

Tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 19h ngày 11/9/2024, tình hình úng ngập như sau: lúa bị đổ 24.766 ha; lúa bị ngập 2.553,9 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.705,1 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 12.559,2 ha; thủy sản bị ảnh hưởng 94 ha; gia súc bị chết 79 con; gia cầm chết, thất lạc 39.732 con; cây xanh gẫy đổ 103.511 cây (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã bao gồm cây đô thị và các loại cây khác)...

Các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ lên đến hàng nghìn người cùng nhiều máy móc, thiết bị như máy phát điện, máy xúc, xe cẩu, cưa máy, bảo hộ lao động... để tham gia hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực ngập lụt, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai.

Đến sáng nay 12/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cảnh báo, lũ trên các sông: Hồng, Đuống đang ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với tuyến đê thuộc các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Thường Tín. 

Tuy nhiên, công tác tuần tra, canh gác tại một số địa phương còn chủ quan, chưa nghiêm túc theo quy định.

Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức lực lượng và nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố thiên tai ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Hà Nội: Tập trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, đảm bảo an toàn đê điều- Ảnh 2.

Một đoạn trên phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm bị ngập cao, người dân phải di chuyển bằng thuyền.

Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn quản lý; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thường trực trên điếm như: dọn dẹp sạch sẽ, phát quang cây cỏ dại trong phạm vi điếm; rà soát bổ sung trang bị các dụng cụ, số sách và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội tuần tra, canh gác...

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Trung Bộ có xu hướng hoạt động yếu dần, đêm 11/9 và ngày 12/9, thành phố Hà Nội nhiều mây, đêm và sáng có mưa vừa, có nơi mưa to và dông, sau có mưa, mưa rào rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, mực nước sông Hồng, sông Đuống, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội đang có xu hướng xuống. Lúc 7h sáng nay (12/9), mực nước Hồng, đoạn quận Long Biên (Hà Nội) ở mức 11,20m, dưới báo động lũ cấp III là 30cm; sông Đuống, đoạn quận Long Biên ở mức 10,56m, dưới báo động lũ cấp III là 44cm.

Do đó, Hà Nội đã rút báo động lũ cấp II trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.

Dự báo trong hôm nay, mực nước các sông Hồng, Đuống giảm. Cụ thể, mực nước sông Hồng lúc 13h ở mức 11,10m (giảm 10cm so với lúc 7h); lúc 19h ở mức 10,90m (giảm 30cm so với lúc 7h). Trên sông Đuống, lúc 13h ở mức 10,45m (giảm 10cm so với lúc 7h); lúc 19h ở mức 10,25m (giảm 31cm so với lúc 7h).

Minh An
Ý kiến của bạn
Bình luận