Hà Nội triển khai các gói hỗ trợ để ổn định sản xuất cho người dân, doanh nghiệp
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, thành phố sẽ triển khai 2 gói hỗ trợ để ổn định sản xuất cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ.
Ngày 27/9, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện chương trình đến quý III năm 2024 và khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra; nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 04, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Đến 9/2024, Hà Nội còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%.
Sau bão số 3, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 100.000 cây xanh bị gãy, đổ; 22.848ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 13.832ha lúa bị ngập; 10.830ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; 9.254ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 4.240ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 462.893 con gia cầm bị chết, thất lạc; xảy ra khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt…
Về công tác khắc phục hậu quả, thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh; chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây; giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đến nay công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.
Hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra. Đã có trên 66.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng hơn 12.000 người ở các huyện còn ngập Chương Mỹ, Mỹ Đức… Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định hỗ trợ các quận, huyện, thị xã và các đơn vị 220,87 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ, khắc phục thiệt hại trong giai đoạn 2024 - 2025 là 2.346,18 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất nông nghiệp (thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND trên diện tích tạm rà soát đến hết ngày 15/9/2024 là 148,5 tỷ đồng; đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông 213,38 tỷ đồng…)
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận, phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, đề nghị từ nay đến hết năm, toàn Thành phố quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình đề ra trong năm 2024, đặc biệt là tập trung cho các chương trình nước sạch nông thôn, phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP...
Hiện một số địa bàn người dân khó khăn trong tiếp cận nước sạch tập trung như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín… đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị sở, ngành và địa phương phải làm việc với doanh nghiệp cung ứng và báo cáo Thành phố tiến độ thực hiện.
Đối với khắc phục cơn bão số 3, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND Thành phố khẩn trương triển khai Kết luận của của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai 2 gói hỗ trợ, trong đó: hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ hoạt động hợp tác xã; giãn, hoãn các gói vay đối với người dân, hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp vụ Đông, hỗ trợ tái đàn… Xử lý sự cố đê điều, thủy lợi… để sớm ổn định sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các khu vực đê trọng yếu, đề nghị tổng hợp lại, đưa vào kế hoạch đầu tư công 2024-2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để tập trung triển khai trong thời gian tới.
Đối với Khu vực nội thành, đề nghị UBND thành phố sớm chỉ dạo Sở Xây dựng và các sở, các quận sớm xây dựng đề án tái trồng lại cây xanh bị đổ một cách tổng thể, căn cơ cũng như xây dựng đề án chỉnh trang đô thị.
Đối với một số huyện ngập sâu, lâu ngày, ngay sau Hội nghị này, yêu cầu các huyện chỉ đạo “nước rút đến đâu, tiến hành tổng vệ sinh đến đó”, sớm ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, tiến hành đánh giá mức độ hư hỏng, thiệt hại của nhà dân để có hình thức hỗ trợ. MTTQ Thành phố sẽ trích từ Quỹ cứu trợ để hỗ trợ bằng mức hỗ trợ cho hộ nghèo 100 triệu đồng/căn nhà.
Thương HuyềnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.