iHaNoi: Thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng Công dân Thủ đô số “iHaNoi” cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Ngày 28/6, UBND TP Hà Nội sẽ công bố vận hành ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…
iHanoi với slogan "Chạm để kết nối" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ ràng mục tiêu và tính năng của ứng dụng, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Tên ứng dụng được ghép từ chữ “i” và tên địa danh Thủ đô “Hà Nội”. Việc kết hợp chữ “i” hiện đại với tên “Hanoi” thể hiện sự pha trộn hài hòa giữa công nghệ hiện đại và văn hóa truyền thống, làm nổi bật sự phát triển và tiến bộ của Thành phố.
Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam, tuy nhiên ứng dụng không chỉ hướng tới những người dân Thủ đô, những doanh nghiệp đang kinh doanh, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn hướng tới những người dân ở tỉnh/thành khác, những du khách trong nước và nước ngoài quan tâm, muốn tìm hiểu về Hà Nội.
Thông qua iHanoi, mọi đối tượng tham gia có thể tương tác, phản ánh, cung cấp thông tin, đề xuất sáng kiến, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền Thủ đô. Đồng thời, ứng dụng iHanoi sẽ cung cấp các tiện ích thông minh như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, sự hài lòng người dân.
Đặc biệt, khi tải ứng dụng iHanoi về điện thoại thông minh và sử dụng ứng dụng này, người dân còn có thể khám phá các địa điểm du lịch, văn hóa lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đã được tích hợp trong tiện ích đô thị thông minh. Khi chọn “Du lịch”, một “Bản đồ du lịch” sẽ được hiển thị trên màn hình điện thoại cùng với bản đồ xác định vị trí nơi người dùng đang sử dụng iHanoi. Trên bản đồ du lịch, người dùng có thể chọn các mục: Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử, Du lịch tâm linh, Địa điểm check-in, Công viên, Bảo tàng, Khu vui chơi, Ẩm thực, Lưu trú và Các loại hình khác.
Các chức năng trên ứng dụng iHanoi được chia thành 4 nhóm lớn:
Hanoi Connect: Các tính năng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện hơn. Được thể hiện bằng nhóm chức năng phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng: Gồm các tính năng phản ánh hiện trường - giúp người dân có thể gửi phản ánh tới các cấp chính quyền Thành phố về những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc; Phản ánh thủ tục hành chính - giúp người dân có thể gửi các phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, các trường hợp xử lý chậm trễ thủ tục hành chính của người dân; Đăng ký tiếp công dân - hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký tiếp công dân với Ban tiếp công dân TP Hà Nội.
Hanoi Life: Được thể hiện bằng nhóm chức năng tiện ích đô thị thông minh: Nhóm chức năng này được chia theo các chủ đề lớn, đa lĩnh vực liên quan đời sống của người dân gồm:
Giao thông: Cung cấp các tiện ích Camera giao thông - cho phép người dân theo dõi tình hình giao thông tại các tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm để người dân có thể chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp, tránh ách tắc giao thông; Tra cứu tuyến xe - người dân có thể tra cứu các tuyến xe đi từ các bến xe Gia Lâm, bến xe Giáp bát, bến xe Mỹ Đình tới các tỉnh/thành khác; Tra cứu phạt nguội - người dân có thể tra cứu các thông tin phạt nguội với các loại phương tiện di chuyển gồm ô tô, xe máy, xe đạp điện; Gia hạn đăng kiểm - giúp người dân thực hiện gia hạn đăng kiểm tự động một cách nhanh chóng, thuận tiện; Bản đồ ngập úng - người dân có thể theo dõi các tuyến đường đang bị ngập úng trên địa bàn TP Hà Nội.
Y tế: Cung cấp Sổ sức khỏe điện tử - người dân có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe, tiền sử bệnh, thông tin các đợt khám chữa bệnh tại, thông tin tiêm chủng tại các bệnh viện công trên địa bàn Thành phố; Tra cứu các cơ sở y tế, mạng lưới nhà thuốc trên địa bàn Thành phố.
Giáo dục: Tra cứu các trường học từ trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường liên cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học tại Hà Nội.
Môi trường: Cung cấp thông tin chất lượng không khí tại các khu vực ở Hà Nội và các vấn đề cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe trường hợp chất lượng không khí tại khu vực sinh sống của người dân không đảm bảo.
Thông tin quy hoạch sử dụng đất: Người dân có thể tra cứu và xem các thông tin quy hoạch theo vị trí, địa chỉ, thửa đất, địa bàn…
Du lịch (Hanoi Maps): Bản đồ du lịch cung cấp các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các địa điểm du lịch tâm linh, địa điểm check-in, các công viên, bảo tàng, khu vui chơi, ẩm thực, lưu trú tại Hà Nội. Người dân có thể tra cứu, xem thông tin về các địa điểm, chỉ đường tới địa điểm.
Di sản văn hóa: Bản đồ di tích lịch sử văn hóa giúp người dân có thể tra cứu các địa điểm được công nhận là di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố…; xem các thông tin lược sử, kiến trúc tại các địa điểm.
Thanh toán trực tuyến (Hanoi Pay): Người dân có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí hành chính, nộp phạt giao thông.
Nông nghiệp: Bản đồ OCOP - người dân có thể tra cứu các sản phẩm OCOP theo từng khu vực, xem thông tin sản phẩm, thông tin nhà cung cấp sản phẩm; Làng nghề - người dân có thể xem thông tin về hơn 300 làng nghề hiện có ở Hà Nội; Truy xuất nguồn gốc - người dân có thể quét mã QR trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm để xem thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm.
Danh bạ đường dây nóng: Tra cứu các đường dây nóng trên địa bàn Thành phố & thực hiện gọi tới các đường dây nóng này.
Giải trí: Cung cấp tiện ích giải trí TV360, người dân có thể xem các chương trình truyền hình, phim, các nội dung giải trí đa dạng trên TV360.
Hanoi News - Được thể hiện bằng nhóm chức năng truyền thông, tin tức trên ứng dụng: Truyền thông, cảnh báo - cung cấp các thông tin cảnh báo, tuyên truyền hữu ích từ đa lĩnh vực tới người dân Thủ đô; Tin tức Hà Nội - theo dõi các thông tin về kinh tế, xã hội của Hà Nội qua các báo Hà Nội mới, Kinh tế & Đô thị, Nhịp sống Hà Nội, An ninh Thủ đô, Thanh niên, Người lao động, Lao động Thủ đô, Đài phát thanh & truyền hình Hà Nội.
Nhóm chức năng Sáng kiến, góp ý: Cung cấp tính năng Sáng kiến xây dựng Thủ đô - người dân có thể gửi các ý tưởng, sáng kiến đóng góp cho việc phát triển của Thủ đô, từ đó giúp cơ quan chính quyền có thêm gợi ý về những giải pháp mới, sáng tạo để giải quyết những vấn đề nhức nhối, đưa ra những quyết sách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, ứng dụng iHanoi còn có Hanoi Chat - cung cấp tiện ích trò chuyện trực tuyến, giúp người dân có thể tương tác với người dân; người dân tương tác với các doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp tương tác với các cơ quan chính quyền. Người dân có thể trò chuyện 1:1, hoặc tạo các nhóm trò chuyện, gọi video call, gửi hình ảnh, file, danh thiếp, vị trí hiện tại, lập các khảo sát trong nhóm chat.
Thương HuyềnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.