Kiên Giang: Nghệ nhân Trương Đình Chiếu trao tặng bộ đàn đá làm từ đá núi lửa
Ngày 28/10, Nghệ nhân Trương Đình Chiếu và điêu khắc gia Châu Trâm Anh đã bàn giao bộ nhạc cụ đàn đá làm từ núi lửa cho Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ Anh hùng liệt sĩ người có công huyện Vĩnh Thuận.
Tại buổi bàn giao, nghệ nhân Trương Đình Chiếu chia sẻ, bộ nhạc cụ đàn đá làm từ núi lửa, nặng 5 tấn. Biểu tượng đàn đá là hình con Hạc, Hạc là biểu tượng cho các anh lính đã ngã xuống của dân tộc Việt Nam. Nghệ nhân Trương Đình Chiếu mong muốn, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ Anh hùng liệt sĩ người có công huyện Vĩnh Thuận cũng là một điểm đến của văn hóa dân tộc và tin tưởng rằng bộ đàn đá sẽ là loại nhạc cụ dân tộc để giáo dục các thế hệ sau này, để nhớ đến, để bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam mình.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thuận cảm ơn nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã tặng bộ nhạc cụ đàn đá cho Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ Anh hùng liệt sĩ người có công huyện Vĩnh Thuận.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận cho biết, Vĩnh Thuận là nôi của cách mạng, nơi mà chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu giành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Hôm nay được nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng bộ nhạc cụ đàn đá tặng cho đền thờ Anh hùng liệt sĩ người có công huyện hết sức ý nghĩa cho quê hương Vĩnh Thuận.
Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thuận xin hứa với Nghệ nhân Trương Đình Chiếu, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Thuận; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Thuận sẽ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là phát huy nhạc cụ đàn đá ngày càng phát triển, để quy tụ sự đoàn kết, thống nhất nội bộ đảng, các dân tộc trên địa bàn huyện cùng nhau xây dựng Vĩnh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, ngày càng hạnh phúc, ấm no hơn.
ThS. Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cho biết, trong thời gian tới, các cấp, ngành huyện Vĩnh Thuận tiếp tục mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, giảng dạy cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về bộ đàn đá làm từ đá núi lửa đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc nhạc cụ đàn đá; đồng thời lan tỏa và từng bước đưa loại hình biểu diễn nghệ thuật đàn đá trở thành nét đặc trưng riêng tại Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ Anh hùng liệt sĩ người có công huyện Vĩnh Thuận và gắn với các hoạt động về nguồn và trong hoạt động du lịch tại địa phương.
Được biết, Nghệ nhân Trương Đình Chiếu sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã mê chơi đàn, nên được gia đình tạo điều kiện cho đi học tại Nhạc viện. Được biết đến là một nghệ nhân nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, ông cũng là người biết chơi hơn 100 loại nhạc cụ, biết phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có đàn đá. Với trái tim cháy bỏng cùng âm nhạc dân tộc, ông không chỉ chơi đàn hay mà còn chế tác đàn đá và trao tặng nhiều nơi để đưa vào phục vụ công chúng. Đến nay, ông đã làm hơn 300 bộ đàn.
Năm 2012, nghệ nhân Trương Đình Chiếu được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc nhất Việt Nam. Cho đến nay, ông vẫn miệt mài với công việc đầy ý nghĩa này, đồng thời mở lớp để đào tạo những thế hệ tiếp nối với mong muốn bảo tồn, phát huy những tinh túy của văn hóa phi vật thể nước nhà.
Đàn đá Tây Nguyên được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ độc đáo trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên kiệt tác truyền khẩu, phi vật thể của nhân loại. Mong rằng sau khi được nhận các nhạc cụ đàn đá thì các đơn vị, trường học phát huy tính năng của nhạc cụ để sử dụng tốt, góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của người dân.
Văn DươngTheo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).