Một số ngân hàng được nới room ngoại lên 49%

Chính sách
08:30 AM 13/05/2025

Việc nới room ngoại lên 49% đối với một số ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội thu hút vốn, thúc đẩy tái cấu trúc ngân hàng và hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc có thể vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với các ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, như Vietcombank - nơi Ngân hàng Nhà nước đang nắm 74% cổ phần.

Một số ngân hàng được nới room ngoại lên 49%- Ảnh 1.

Như vậy, từ ngày 19/5/2025, room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được nâng lên tối đa 49% thay vì giới hạn 30% như trước.

Theo đó, ba ngân hàng MB, VPBank và HDBank đang tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém là những cái tên được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.

Các chuyên gia Chứng khoán ACBS cho rằng, quy định này tạo điều kiện cho MB, VPBank và HDBank có thêm công cụ huy động vốn chiến lược.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở cả ba ngân hàng vẫn thấp hơn mức trần: MB là 22,3%, VPBank là 24,3% và HDBank là 16,9%. Các ngân hàng này cũng đều đang khóa room ngoại dưới mức 30%.

Trong ba ngân hàng, HDBank được ACBS đánh giá là ứng viên có khả năng nới room ngoại sớm nhất. Ngân hàng này hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài và đang tích cực tìm kiếm đối tác phù hợp. Mặc dù hệ số an toàn vốn (CAR) của HDBank khá cao, khoảng 14%, nhưng phần lớn dựa vào trái phiếu cấp 2, khiến nhu cầu tăng vốn cấp 1 trở nên cấp thiết để giảm chi phí vốn dài hạn.

Với room ngoại theo điều lệ chỉ còn 0,65% và dư địa theo luật vẫn còn khoảng 13,15%, việc mở room lên 49% có thể giúp HDBank dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư chiến lược sở hữu từ 15-20% vốn. Điều này cũng sẽ góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu và nâng cao vị thế ngân hàng trong trung và dài hạn.

Trong ba ngân hàng, VPBank hiện đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là SMBC (Nhật Bản), đồng thời nắm 50% vốn tại công ty tài chính FE Credit. Dù hệ số CAR tương đương HDBank, nhưng phần lớn cũng dựa vào vốn cấp 2, và chưa đặt áp lực cấp thiết về tăng vốn trong ngắn hạn. Với room ngoại hiện là 24,3%, VPBank có thể tận dụng chính sách mới để nâng tỷ lệ sở hữu nếu có kế hoạch tăng vốn, mở rộng đối tác chiến lược hoặc thoái vốn tại các công ty con.

Về phía MB, yếu tố cốt lõi vẫn là nội lực doanh nghiệp nên việc nới rộng room ngoại chỉ để thu hút nhà đầu tư chiến lược và nâng giá trị cổ phiếu. Mặc dù vậy, MB vẫn có kế hoạch góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào ngân hàng MBV trong quá trình cơ cấu, và với hệ số CAR hiện khoảng 10%, ngân hàng này vẫn có thể cần tăng vốn cấp 1 trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể bị giới hạn do yếu tố sở hữu Nhà nước và nguy cơ pha loãng.

Theo đánh giá của ACBS, việc nới room lên 49% chưa thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn, nhất là khi khối ngoại vẫn bán ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng. Đáng chú ý, quy định nới room chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, dự kiến kéo dài 5-10 năm. Sau giai đoạn này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ phải quay về dưới 30%, trừ khi chuyển nhượng nội bộ giữa các nhà đầu tư ngoại.

Dù vậy, trong bối cảnh khối ngoại đã bán ròng hơn 30.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm 2024, chính sách mới này có thể là cú hích giúp đảo chiều dòng vốn và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm 19% Nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm 19%

Việc giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hai sản phẩm nhập khẩu từ nước này là thép cuộn cán nóng (HRC) và tổng mạ.