Người dân cần được tiếp cận về chất lượng và dịch vụ nhà ở như nhau
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định.
Trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dù thị trường bất động sản thời gian qua bắt đầu khôi phục và cải thiện, tuy nhiên nguồn cung còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Phân khúc nhà chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Mặt khác, quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của thành phố.
Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội trong các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về quy mô dân số; việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân còn chậm.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn; trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian.
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.
Trước hết, thành phố sẽ rút ngắn thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, đồng thời cải thiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Điều này nhằm đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả nhằm phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội bổ sung dự án bất động sản theo phương thức BT có khó khăn, vướng mắc; đề xuất trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu nào có thể cắt giảm; việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội; những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo chung cư cũ…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền, về ngân sách, quản lý đầu tư; nhiều quy định mang tính đột phá, phân cấp, phân quyền cho Hà Nội.
Ông Hải đề nghị thành phố Hà Nội tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thủ đô; hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô, Quốc hội đã cho ý kiến; đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc...
Minh AnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.