Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 2

Chính sách
07:59 AM 02/02/2025

Tháng 2, nhiều chính sách mới liên quan đến kinh tế như giá điện và giá dịch vụ về điện, quy định về đăng ký thuế, giám định tiền giả… chính thức có hiệu lực thi hành.

Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường

Luật Điện lực (sửa đổi) thay thế cho Luật Điện lực năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, trong đó khoản 12 Điều 5 nêu rõ về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện.

Cụ thể, chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện phải bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 2- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: EVN

Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 2- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Quy định về đăng ký thuế

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đăng ký thuế, thay thế Thông tư 105/2020/TT-BTC và có hiệu lực từ ngày 6/2/2025.

Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đối tượng đăng ký thuế như sau:

Đối tượng đăng ký thuế bao gồm: người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế; người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 2- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế); đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả, có hiệu lực từ ngày 14/2. Khi phát hiện tiền nghi giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, các cơ quan, tổ chức liên quan phải thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo mẫu quy định.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển hồ sơ giám định đến ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc sở giao dịch để thực hiện giám định.

Đặc biệt, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải lập một bộ hồ sơ đề nghị giám định và nộp trực tiếp đến ngân hàng Nhà nước chi nhánh, sở giao dịch, Cục Phát hành và kho quỹ tại Hà Nội hoặc TP HCM. Hồ sơ bao gồm giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả (theo mẫu quy định). Sau tối đa 2 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành giám định, cơ quan giám định sẽ thông báo kết quả bằng văn bản cho người đề nghị giám định. Việc giám định tiền giả, tiền nghi giả là miễn phí.

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai

Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 2- Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Internet

Theo quy định, mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) như sau:

Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30 triệu đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.

Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 25/2/2025.

Hình thức hỗ trợ có thể bằng tiền hoặc hiện vật như cây giống, con giống, vật tư sản xuất với giá trị tương đương mức hỗ trợ tiền mặt tại thời điểm nhận hỗ trợ. Chính sách này nhằm giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế nông nghiệp sau thiên tai, dịch hại.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Dự báo thương mại điện tử năm 2025 sẽ vượt mốc 31 tỷ USD Dự báo thương mại điện tử năm 2025 sẽ vượt mốc 31 tỷ USD

Năm 2024, thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD. Cùng với những động lực tăng trưởng mới, dự báo thị trường này sẽ vượt 31 tỷ USD trong năm 2025.