Quốc Oai: Khẩn trương di dời các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn

Địa phương
05:44 PM 11/09/2024

Trước những diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3 gây ra, chiều 10/9, ông  Nguyễn Văn Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai, chủ trì họp Ban Thường vụ Huyện ủy nghe UBND huyện và các xã, thị trấn báo cáo kết quả khắc phục cơn bão số 3, phương án phòng chống bão lũ trong thời gian tới.

https://quocoai.hanoi.gov.vn/documents/8265610/8978482/1.jpg/dc60fcdc-28d4-4c4b-a8d8-65d0eb0e330c?t=1725961829236

Ông Nguyễn Nguyễn Văn Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy chủ trì hội nghị

Cùng dự có Thường trực Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; Trưởng các phòng, ban, ngành liên quan của huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã: Cấn Hữu, Đông Yên, Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp, Phú Cát, Phú Mãn, Đông Xuân, Đại Thành, Tân Phú, Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách.

https://quocoai.hanoi.gov.vn/documents/8265610/8978482/2.jpg/d66a9b77-0af9-4c38-b5c3-06f0db4f0b79?t=1725961829655

Ông Phạm Quang Tuấn - UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện báo cáo khắc phục cơn bão số 3, phương án phòng chống bão lũ trong thời gian tới

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện Quốc Oai từ 7h00 ngày 06/9/2024 đến 06h00 ngày 10/9/2024, lượng mưa đo được khoảng 290mm (trong đó từ 15h30 ngày 9/9/2024 đến 13h30 ngày 10/9/2024 là 67mm). Mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc tính đến 13h30 ngày 10/9/2024 là 8,39 m trên mức báo động 3 là 0,39m. 

Thống kê sơ bộ, tính đến 13h30 ngày 10/9, toàn huyện có 3.315 cây bị đổ, 117 ha lúa lúa bị ngập, 98 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 143 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, 52 mái tôn bị lật, 33 cột điện đổ, có 06/21 xã, thị trấn có gia cầm thiệt hại do bão số 3 gồm: Xã Phú Cát 4.250 con, xã Tuyết Nghĩa 525 con, xã Đồng Quang 1.948 con, xã Cấn Hữu 674 con, xã Hoà Thạch 1000 con, xã Đông Yên 232 con.

Các tuyến đường bị ngập: cầu Tân Phú, Cầu Đại Thành ngập sâu 0,4m; Đường tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 0,5 m; Tại cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hoà ngập sâu 0,3 m. Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo giao thông vẫn đang phân công lực lượng trực, chắn pano khu vực nguy hiểm, phân luồng giao thông, hướng dẫn nhân dân di chuyển cung đường an toàn.

Tính đến 12h00 ngày 10/9/2024, toàn huyện có 5 xã bị ngập gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Liệp Tuyết với 351 hộ 1263 nhân khẩu.

Ngay sau cơn bão, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND Huyện trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra, di chuyển các cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông được thông suốt, các hoạt động của người dân được trở lại bình thường.  Ủy ban nhân huyện, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ, gãy; rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn khi bão đổ bộ. 

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, UBND các xã, thị trấn đã huy động lực lượng của đơn vị triển khai xử lý các cây xanh bị đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. 

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã huy động hơn 250 xe các loại như máy cẩu, máy xúc, máy cưa, máy cắt; 3500 người trong đó lực lượng quân đội 150 người, dân quân tự vệ 723; Công an 200 người, lực lượng an ninh cơ sở 400 người; thanh niên, phụ nữ, nhân dân trên địa bàn thuộc 21 xã, thị trấn 2.027 người tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy, VSMT không để ùn tắc giao thông và VSMT. Đến nay, các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21B... các tuyến đường thuộc thành phố quản lý đã tổ chức giải tỏa các cây xanh bị đổ gãy đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn.

https://quocoai.hanoi.gov.vn/documents/8265610/8978482/12.jpg/04346794-1159-4390-b40e-ebdf3d1d7367?t=1725961832092

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Huyện ủy đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên dự báo tình hình các đoạn đê xung yếu để sẵn sàng hộ đê và đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Đề nghị cả hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm tránh chủ quan lơ là trong công tác phòng chống lụt bão. 

Rà soát tình hình các hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất và bị ngập để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Đối với các xã vùng bãi đáy và có đồi núi cần có phương án chủ động phòng ngừa trượt sạt lở núi đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt là xóm bến vôi xã Cấn Hữu cần chủ động di dời sơ tán người dân đến chỗ an toàn.

Thường xuyên duy trì và ứng trực 24/24h tại các tuyến đê và điếm canh đê trên địa bàn để phát hiện sớm các sự cố xảy ra, có biện pháp xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; chủ động nguồn nhân lực vật tư tại chỗ để đảm bảo tính mạng tài sản của người dân. Tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ bà con nhân dân bị sơ tán bảo đảm sinh hoạt hàng ngày.

Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở mỗi tiếng 1 bản tin về các biện pháp khuyến cáo người dân chủ động phòng chống lũ lụt.

https://quocoai.hanoi.gov.vn/documents/8265610/8978482/13.jpg/53a5380a-4f07-478a-a30b-3952c9f8fc22?t=1725961832304

Ông Nguyễn Văn Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận hội nghị ông Nguyễn Văn Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Ban Thường vụ Huyện ủy ghi nhận đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện về ứng phó với bão số 3; đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền trong việc tuyên truyền nhân dân đảm bảo phòng chống cơn bão số 3.

Khẳng định tính mạng và tài sản của nhân dân là quan trọng nhất, Bí thư Huyện ủy đề nghị các xã, thị trấn phải có phương án di chuyển người dân ra khỏi chỗ ngập sâu đến nơi an toàn theo chỉ đạo của thành phố và của huyện để đảm bảo an toàn cho người dân.

Bí thư huyện ủy đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa và cây xanh đảm bảo giao thông thông suốt. Đảm bảo an toàn về điện sinh hoạt và thông tin liên lạc cho nhân dân.

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Khẩn trương xây dựng chương trình khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão số 3; hỗ trợ cho người dân khắc phục sản xuất đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân. Cấm toàn bộ các phương tiện qua lại tại các nơi cầu yếu, những điểm ngập lụt trên địa bàn huyện. Bí thư Huyện ủy yêu các xã thị trấn duy trì chế độ trực 24/24h tại các điếm canh đê, các tuyến đê trên địa bàn để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra…

Xuân Tâm
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.