Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%).
Báo cáo Công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng trưởng theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%).
Trong sáu tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tại thời điểm tháng 4/2024, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9%-2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8%-5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6%-6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3%-9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 25/6/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 VNĐ/USD, tăng 1,62% so với thời điểm cuối năm 2023.
Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%, trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 70,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3%; tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.
Về thị trường chứng khoán, hoạt động giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động trong sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số VN-Index duy trì xu thế tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 26/06/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.260,99 điểm, tăng 11,6% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 17/06/2024) đạt 5.533,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8%.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2024 đạt 26.970 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.309 tỷ đồng/phiên, tăng 38,3% so với bình quân năm 2023.
Đến cuối tháng 5/2024, thị trường cổ phiếu có 730 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.159 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2024 đạt 12.088 tỷ đồng/phiên, tăng 16,6% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.187 tỷ đồng/phiên, tăng 56,3% so với bình quân năm 2023.
Đến cuối tháng 5/2024, thị trường trái phiếu hiện có 461 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.127 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với bình quân năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 6/2024 đạt 213.403 hợp đồng/phiên, giảm 5,1% so với bình quân tháng trước; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 42,7 triệu chứng quyền/phiên, giảm 8,2%. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 218.500 hợp đồng/phiên, giảm 7,1% so với bình quân năm 2023; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 56,9 triệu chứng quyền/phiên, tăng 73,7% và giá trị giao dịch đạt 50,8 tỷ đồng/phiên, tăng 77,7%.
Nhật MaiVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.