Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng

Đầu tư và Tiếp thị
01:36 PM 02/01/2025

Năm 2024 kết thúc với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là tác động từ bão số 3 cùng mưa lũ sau bão, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân và việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, Thái Bình đã nỗ lực và quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đưa kinh tế tỉnh phát triển toàn diện và bền vững.

Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng- Ảnh 1.

Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, kinh tế Thái Bình đã đạt được sự tăng trưởng đồng đều ở cả ba khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,76%, khu vực dịch vụ tăng 6,62%. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế, với mức tăng trưởng 9,19%, tổng giá trị sản xuất ước đạt 106.449 tỷ đồng. Nhiều lĩnh vực có giá trị tăng cao như chế biến, chế tạo ước đạt 94.136 tỷ đồng, tăng 6,7%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện đạt 11.657 tỷ đồng, tăng 35%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 369 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2023.

Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng- Ảnh 2.

Hạ tầng công nghiệp của Thái Bình đã và đang được đầu tư để đón các doanh nghiệp lớn

Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến công nhận 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 40 và 2 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh còn công nhận 18 xã hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024.

Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng- Ảnh 3.

Chương trình NTM đã thay đổi diện mạo Thái Bình.

Công tác thu hút đầu tư cũng đạt nhiều khởi sắc. Năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 38.088 tỷ đồng, trong đó có 154 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2023; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1 tỷ USD. Với kết quả đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thái Bình đạt thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD. Trong năm, tỉnh tổ chức thành công nhiều đoàn công tác của tỉnh đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga...; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh như: Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Tập đoàn Heraeus, Trung tâm quảng bá Kyushu Nhật Bản, Tập đoàn Zenith Hàn Quốc, Tập đoàn Tokyo Gas, Tập đoàn Trường Thành, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Kamkiu Trung Quốc, Công ty HVR International - Cộng hòa liên bang Đức, đoàn công tác của Hiệp hội Kyushu và Liên đoàn Kyushu (Nhật Bản), Tập đoàn Trinasolar (Singapore)...; từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Thái Bình với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Thái Bình còn tiếp tục duy trì là năm thứ ba liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới/ năm. Đến nay, toàn tỉnh có 7.634 doanh nghiệp và 3.143 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 120,4 nghìn tỷ đồng.

Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng- Ảnh 4.

Thái Bình trở thành "cứ điểm" của hàng loạt "ông lớn" FDI.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chính vì thế, tỉnh tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công; năm 2024, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 96% kế hoạch địa phương phân bổ. Công tác thu ngân sách duy trì thành tích là năm thứ ba có số thu nội địa vượt mốc 10.000 tỷ đồng với tổng thu hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 132,9% dự toán, tăng 16,5% so với năm 2023. Ngoài ra, các công trình trọng điểm cũng được tỉnh tập trung nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh như: dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Phố Nối, đoạn qua tỉnh Thái Bình với 39km qua 4 huyện và 22 xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh kết nối các huyện...

Thái Bình: Bức tranh kinh tế năm 2024 với nhiều điểm sáng- Ảnh 5.

Nhờ giao thông phá thế “ốc đảo”, Thái Bình thành điểm sáng đầu tư

Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế, nhưng cũng là cột mốc quan trọng với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Trong bối cảnh đó, Thái Bình không chỉ nhìn lại những thành tựu nổi bật của năm 2024 mà còn khơi dậy tinh thần quyết tâm mạnh mẽ từ toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh bước vào một giai đoạn bứt phá và tăng tốc, hướng đến những mục tiêu cao hơn. Với sự đồng lòng, bản lĩnh và khát vọng vươn lên, Thái Bình sẵn sàng góp sức cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Tây Ninh sẵn sàng đón biển người về dự Lễ vía Đức Chí Tôn, vía Thần tài và Tết Nguyên tiêu Tây Ninh sẵn sàng đón biển người về dự Lễ vía Đức Chí Tôn, vía Thần tài và Tết Nguyên tiêu

Ngay sau lễ khai mạc Hội xuân với biển người đổ về núi Bà Đen trong mùng 4 Tết, Tây Ninh được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hành hương hút hàng nghìn trăm ngàn tín đồ cả nước về dự lễ vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài, lễ vía Thần tài và Tết Nguyên tiêu vào mùng 8-10 tháng Giêng.