Thanh Hóa: Đứng thứ 2 cả nước về tốc độ tăng trưởng
Trong báo cáo tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đã nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025 với nhiều kết quả nổi bật, trong đó nhấn mạnh Thanh Hóa đứng thứ 2 cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong năm 2024.
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, với tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển" của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Trong đó đáng chú ý là kinh tế duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch; Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tăng 19,25%.
Trong gam màu sáng của bức tranh kinh tế tỉnh Thanh Hóa có sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại, dịch vụ, là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhiều lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giá trị xuất khẩu, tổng thu du lịch, doanh thu vận tải... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động; tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%; doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%.
Đặc biệt, năm 2024 thu ngân sách Nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% kế hoạch, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ...
Các động lực tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực theo chiều sâu: thu hút đầu tư gấp 1,4 lần về số dự án và 10,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của tỉnh.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 8 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong nhóm đầu cả nước; giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch, cao hơn 1,2 lần so với cùng kỳ.
Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định; các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời; sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ. Số lượt khách du lịch tuy tăng mạnh, song tỷ trọng khách lưu trú thấp. Chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao; tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt...
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; dự kiến, có 25 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: 12 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, 3 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về an ninh trật tự. Để đạt được điều này, tỉnh cũng đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Trong đó nhấn mạnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực...
Trong bối cảnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế nổi bật, nằm trong tốp đầu của cả nước. Điều này tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, sự điều hành của chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng trong tổ chức thực hiện của các sở ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là điều kiện quan trọng để tỉnh xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025, tạo đòn bẩy để tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025.
Yến HoàngTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.