Hàng chục cổ phiếu giảm sàn, VN-Index giảm 14 điểm mà ngỡ như mất 50 điểm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:26 PM 13/01/2022

Thống kê trên sàn HoSE có tới 327 mã giảm trong đó 80 mã giảm sàn; áp đảo hoàn toàn 146 mã tăng điểm trong đó vỏn vẹn 4 mã tăng trần.

Hiệu ứng từ những thông tin tiêu cực vẫn đang lan tỏa trên thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán phiên thứ 5 ngày 13/1 tiếp tục ghi nhận những nhịp rung lắc mạnh dưới áp lực bán tháo tại nhóm cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản, xây dựng. Đà bứt phá tại các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành ngân hàng hay thép cũng không đủ lực để giúp VN-Index tránh một phiên giảm điểm.

Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 14,46 điểm (0,96%) xuống 1.496,05 điểm, trong khi VN30-Index cũng đánh rơi xung lực vào cuối phiên, giảm 0,24% xuống 1.526,43 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán, thống kê trên sàn HoSE có tới 327 mã giảm trong đó 80 mã giảm sàn; áp đảo hoàn toàn 146 mã tăng điểm trong đó vỏn vẹn 4 mã tăng trần.

Hàng chục cổ phiếu giảm sàn, VN-Index giảm 14 điểm mà ngỡ như mất 50 điểm - Ảnh 1.

Các nhóm cổ phiếu bất động sản tăng "siêu nóng" thời gian qua tiếp tục giảm sàn "trắng bên mua" như FID, CEO, IDC, IDJ, HQC, DIG, DRH, DXG, SCR, LDG, ITA, CII, NBB… Đáng chú ý, quán quân về thị giá trên sàn là L14 đã có cú "phi" từ trần xuống sàn ngay trong phiên, đóng cửa giảm kịch biên độ 10% và đánh mất mốc 400.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu "họ FLC" như FLC, ROS, AMD, HAI, ART, KLF… cũng chìm sâu trong mức giá "xanh sàn" với hàng chục triệu cổ phiếu được "chồng chất" bán sàn ngay từ những phút đầu phiên, song khối lượng khớp lệnh chỉ được vài trăm nghìn đơn vị trong toàn bộ thời gian giao dịch.

Hàng chục cổ phiếu giảm sàn, VN-Index giảm 14 điểm mà ngỡ như mất 50 điểm - Ảnh 2.

Trong bối cảnh hàng trăm mã giảm sàn, nhiều nhà đầu tư trong phiên 13/1 có cảm giác mức giảm phải lên tới cả 50, 60 điểm thay vì chỉ hơn 14 điểm như thực tế, nhất là với những người đang nắm trong tay những mã cổ phiếu đầu cơ "nóng bỏng tay". Thời gian qua, dòng tiền như "lãng quên" nhóm vốn hóa lớn khi bị thu hút hoàn toàn bởi những miếng "bánh vẽ" về x2, x3 lần tài khoản từ lời phím hàng của những người tự xưng là "đội lái". Nhiều người quá Fomo mà mua vào cổ phiếu ngay vùng đỉnh giá bất chấp những thông tin xấu về doanh nghiệp.

Hiện tại, cổ phiếu lao dốc, khoản lỗ nhanh chóng lên tới hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên, thậm chí nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thể do cổ phiếu "mất thanh khoản". Hành động duy nhất họ có thể làm trong thời điểm này chỉ là bất lực ngồi nhìn tài khoản "bốc hơi" qua từng ngày.

Diễn biến ở chiều ngược lại, cổ đông ngân hàng và thép hôm nay lại vô cùng hân hoan khi các cổ phiếu đều tăng mạnh và trở thành trụ cột nâng đỡ thị trường. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã ngược dòng tăng tích cực, thậm chí BID còn tăng kịch trần trước khi hạ nhiệt về mức 4,4% khi kết phiên, qua đó nâng đỡ VN-Index tránh một phiên  dù số mã giảm sàn chiếm áp đảo.

Thống kê trên HoSE, 15 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index có sự đóng góp lớn bởi 9 mã ngân hàng, có thể kể tới là BID ( 2,36 điểm), VCB ( 2,26 điểm), CTG ( 1,21 điểm), MBB ( 0,57 điểm), SSB ( 0,22 điểm), ACB ( 0,17 điểm), EIB ( 0,12 điểm), TCB ( 0,09 điểm), LPB ( 0,08 điểm). Ngoài ra, hai ông lớn HPG và HSG của ngành thép tăng điểm tốt qua đó đóng góp 0,56 điểm và 0,11 điểm cho Index.

Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 ghi nhận khối lượng giao dịch tích cực qua đó cũng lọt top mã đóng góp tốt cho thị trường chung

Hàng chục cổ phiếu giảm sàn, VN-Index giảm 14 điểm mà ngỡ như mất 50 điểm - Ảnh 3.

 Trong bối cảnh dòng tiên đổ xô chảy vào nhóm cổ phiếu tăng quá cao, không ít chuyên gia đã lên tiếng cảnh cáo về "bong bóng" tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi thị giá liên tục tăng "nóng" trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco đánh giá dòng cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đang vô cùng rủi ro. Ông Khoa cho rằng giai đoạn giá cổ phiếu tăng trần liên tục để lôi kéo dòng tiền đầu cơ, thu hút nhà đầu tư tham gia, nhưng khi kết thúc cổ phiếu quay đầu giảm sẽ rất nhanh và mạnh và thường sẽ không có cầu. Nhà đầu tư giai đoạn này nên thận trọng nếu có nắm giữ cố phiếu đã tăng mạnh thì cần theo dõi sát và khi có dấu hiệu nên quyết đoán bán.

Hay tại Talkshow Bí mật đồng tiền, ông Phạm Lưu Hưng - Phó giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng việc cổ phiếu bất động sản giảm sâu những phiên gần đây là cái kết đã được báo trước đến từ hệ quả của việc "đếm cua trong lỗ" để định giá cổ phiếu bất động sản.

Ông Hưng đánh giá triển vọng ngành bất động sản vẫn rất tích cực song sẽ chỉ tại những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có khả năng triển khai tốt các dự án tiềm năng; còn lại những mã "vịt đội lốt thiên nga" sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Phương Linh
Ý kiến của bạn