Từ công năng cũ đến tư duy mới
Giáo dục luôn là một trong những lĩnh vực được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Trong bối cảnh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trường lớp, thiếu hụt không gian học tập và áp lực gia tăng dân số, thì việc tìm kiếm những giải pháp khả thi, đồng bộ để mở rộng hạ tầng giáo dục đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
Trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/4 tại đơn vị bầu cử số 1 Thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe, trao đổi và giải đáp nhiều kiến nghị của cử tri thuộc ba quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa. Đặc biệt, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tinh thần không để lãng phí các trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời định hướng ưu tiên sử dụng những không gian này cho mục đích giáo dục, y tế và không gian công cộng phục vụ người dân. Chủ trương này không chỉ thể hiện rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí tài sản công, mà còn đặt lợi ích cộng đồng và nhu cầu thiết yếu của người dân lên hàng đầu. Việc biến những trụ sở hành chính cũ thành trường học hay cơ sở y tế chính là hình ảnh tiêu biểu của một tư duy phát triển vì con người, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa để tiếp thu ý kiến của cử tri và thông báo nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN
Giải bài toán đất cho giáo dục – đề xuất từ thực tiễn
Trên nền tảng tinh thần chỉ đạo ấy, đây là cơ hội cho các cơ sở giáo dục tư thục được tiếp cận quỹ đất từ các trụ sở dôi dư này. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục tư thục – đặc biệt ở bậc phổ thông và mầm non – đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm tải cho hệ thống công lập, tạo thêm lựa chọn chất lượng cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, do hạn chế về quy hoạch đất đai và rào cản trong việc tiếp cận mặt bằng, nhiều nhà đầu tư giáo dục tư thục vẫn gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô hoặc triển khai các mô hình đào tạo hiện đại. Chính vì thế, nếu các trụ sở hành chính cũ sau sáp nhập được rà soát kỹ lưỡng, đánh giá công năng phù hợp và một phần trong đó được ưu tiên để phát triển hạ tầng giáo dục, đặc biệt mở rộng cho khối tư thục, thì đây sẽ là cú hích thực sự đáng kể cho hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.
Tối ưu nguồn lực công – chia sẻ áp lực hạ tầng
Việc "cởi trói" về quỹ đất cho khối giáo dục và đặc biệt là khối tư thục sẽ góp phần giải bài toán cơ sở vật chất vốn đang căng thẳng tại các đô thị lớn. Những ngôi trường tư thục đạt chuẩn, hiện đại, hoạt động hiệu quả sẽ không chỉ giúp giảm tải cho trường công, mà còn mở ra thêm nhiều cơ hội học tập cho học sinh và tạo điều kiện để các mô hình giáo dục tiên tiến, linh hoạt phát triển. Hơn thế nữa, khi tư thục có cơ hội phát triển đúng hướng, Nhà nước sẽ có thể điều tiết lại nguồn lực đầu tư công, tập trung vào những vùng khó khăn, những nhóm đối tượng yếu thế, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. Như vậy, chủ trường này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thể chế hóa bằng chính sách phù hợp sẽ mang lại lợi ích kép – cả về phát triển giáo dục lẫn hiệu quả sử dụng tài sản công.

Trường liên cấp Marie Curie Việt Hưng
Cơ chế tiếp cận minh bạch, công bằng
Để chủ trường này sẽ được khai hiệu quả, cần có một cơ chế tiếp cận công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Các trụ sở dôi dư cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về quy hoạch, vị trí, công năng để phân loại rõ: đâu là nơi phù hợp làm trường học, đâu có thể chuyển đổi thành không gian công cộng, hay phục vụ các mục tiêu khác. Trong đó, các nhà đầu tư giáo dục – cả công lập và tư thục – nên được tiếp cận bình đẳng thông qua các hình thức như đấu thầu quyền sử dụng, thuê dài hạn có điều kiện, hoặc hợp tác công – tư (PPP) với các tiêu chí rõ ràng: về năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, định hướng phát triển giáo dục vì cộng đồng...
Tư thục phát triển bền vững – cần sự đồng hành dài hạn
Cũng cần nhấn mạnh rằng: tạo điều kiện cho tư thục không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo mọi học sinh – dù học ở công lập hay tư thục – đều được thụ hưởng một môi trường giáo dục chất lượng, công bằng và nhân văn. Vì vậy, cùng với việc mở rộng cơ hội tiếp cận đất đai, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn giáo dục; tăng cường giám sát chất lượng dạy và học; đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – vốn là yếu tố quyết định thành công của bất kỳ mô hình giáo dục nào. Nếu làm tốt, chính sách này sẽ góp phần hình thành một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, cân bằng giữa công – tư, giữa phổ cập và chất lượng cao, giữa hiện đại và truyền thống. Đó chính là mô hình mà nhiều nước phát triển đã và đang hướng tới.

Trụ sở mới Quận ủy - HĐND - UBND quận Cầu Giấy
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần không để lãng phí trụ sở dôi dư, ưu tiên sử dụng cho giáo dục, y tế và không gian công cộng đã mở ra một định hướng rất rõ ràng, sát thực tiễn. Trên cơ sở đó, mở cơ hội tiếp cận cho khối giáo dục tư thục – là một bước phát triển tự nhiên, cần được lắng nghe, nghiên cứu và thể chế hóa. Một khi những trụ sở cũ khoác lên mình tấm áo mới – là những ngôi trường khang trang, thân thiện với học sinh, là nơi gieo mầm tri thức cho thế hệ tương lai – thì đó không chỉ là sự chuyển đổi về công năng vật lý, mà còn là sự chuyển mình trong tư duy phát triển của cả nền hành chính quốc gia. Một bước đi nhỏ, nhưng mở ra cả một không gian phát triển rộng lớn, nhân văn và bền vững cho giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Châu Nguyên
Với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ yêu cầu đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước 31/12/2026.