Hà Nội: Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Với định hướng chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp làng nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế.
Hà Nội hiện có hơn 3.300 sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chiếm khoảng 21% cả nước, dẫn đầu toàn quốc. Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu có 30 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu số OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối đa kênh.

Hà Nội đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các sản phẩm làng nghề nhờ OCOP. Từ bánh kẹo truyền thống đến trà sen tinh túy, nhiều sản phẩm không chỉ được công nhận về chất lượng mà còn vươn tầm thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của các làng nghề thủ công. Nhiều sản phẩm được xây dựng từ chính những tài nguyên bản địa như nông sản đặc trưng, dược liệu quý, nghề truyền thống lâu đời… góp phần định vị thương hiệu nông sản Thủ đô trên bản đồ quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, đồng thời là chủ thể của nhiều sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao về gốm sứ, cho biết: Sau khi được đánh giá, công nhận, sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định giá trị chất lượng, mà còn góp phần đưa sản phẩm Việt tiến gần hơn tới thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển bền vững.
Hiện nay, sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao của Hà Nội đều có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong đó, riêng sản phẩm gốm sứ đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, nếu biết cách khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa kết hợp công nghệ, tiêu chuẩn hóa và chiến lược thương hiệu, sản phẩm OCOP hoàn toàn có thể xuất ngoại, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế nông thôn gắn với hội nhập quốc tế.
Để phát huy tiềm năng từ giá trị sản phẩm bản địa, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa lợi ích của sản phẩm, như: Tập trung quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu đặc hữu như vùng trồng cây ăn quả, dược liệu, lúa nếp, chè… theo hướng đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đây là nền tảng quan trọng để các chủ thể OCOP có thể sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Song song đó, thành phố đặc biệt chú trọng hỗ trợ các chủ thể xây dựng “câu chuyện sản phẩm”. Cách làm này sẽ giúp sản phẩm mang đậm "hơi thở" văn hóa, lịch sử vùng miền, tạo dấu ấn riêng biệt và dễ dàng chạm đến cảm xúc người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng được hướng dẫn áp dụng công nghệ chế biến sâu, cải tiến bao bì, nhãn mác chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian tới, thành phố sẽ lựa chọn các sản phẩm thế mạnh, chủ lực để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển; đặc biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng 5 sao trình Trung ương công nhận. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện, phối hợp quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề Hà Nội.
UBND cấp huyện, cấp xã cũng tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP để hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Các làng nghề, chủ thể OCOP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh quảng bá đa dạng trên các nền tảng số, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn khẳng định: Phát triển sản phẩm OCOP từ tài nguyên bản địa không chỉ là quá trình sản xuất - tiêu thụ hàng hóa mà còn là hành trình gìn giữ và lan tỏa tri thức dân gian, bản sắc quê hương.
Từ những nguyên liệu gần gũi, qua bàn tay khéo léo và tâm huyết của người nông dân, nghệ nhân, các sản phẩm OCOP không ngừng được nâng tầm giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân và làm giàu cho quê hương.
Minh An
Từ 00h ngày 1/7, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 204 của Quốc hội chính thức có hiệu lực.