Bình Phước: Sau ly hôn, chồng cũ tạo giấy tờ "giả" nhằm hưởng trọn tài sản chung

Đời sống
09:32 AM 13/07/2021

TAND huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước từng có công văn gửi Cơ quan CSĐT Công an cùng cấp để thông báo có dấu hiệu tội phạm “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong vụ án dân sự tranh chấp tài sản sau ly hôn. Nhưng Công an huyện Chơn Thành ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Bình Phước: Sau ly hôn, chồng cũ tạo giấy tờ "giả" nhằm hưởng trọn tài sản chung - Ảnh 1.

Thỏa thuận chia tài sản không được, phải kiện ra tòa

Theo nội dung vụ kiện tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Loan Anh (SN 1978, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) và bị đơn là ông Nguyễn Sơn Lâm (SN 1969, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Năm 1998, hai người kết hôn, do mâu thuẫn vợ chồng nên bà Anh và ông Lâm ly hôn và được TAND huyện Chơn Thành ban hành quyết định số 66/2014/QĐST-HNGĐ ngày 21/4/2014, công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

Sau khi ly hôn, bà Anh và ông Lâm không tự thỏa thuận được việc chia tài sản nên bà khởi kiện ông Lâm ra tòa với yêu cầu chia tài sản chung, gồm: Thửa đất diện tích 1.494,7m2, tại ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đứng tên hai người cùng các tài sản gắn liền với đất. Thửa đất có diện tích 380,9m2, tại khu phố 6, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, đã được cấp giấy CNQSDĐ đứng tên 2 người cùng các tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp 4 diện tích 102,6m2 do anh Võ Thành Long và chị Nguyễn Thị Mai xây năm 2012 (Anh Long, chị Mai đang sử dụng).

Thửa đất diện tích 13.030m2, tại ấp 3, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, đất được cấp giấy CNQSDĐ ngày 11/4/2008, chỉ mỗi ông Lâm đứng tên và các tài sản gắn liền với đất. Nguồn gốc thửa đất này do bà Anh và ông Lâm mua của chị Nguyễn Thị Thanh Phước vào năm 2008. Khi nhận chuyển nhượng thửa đất này, ông Lâm đứng ra thỏa thuận chuyển nhượng và đứng tên trên giấy.

Thửa đất diện tích 37.047,9m2 (đo đạc thực tế có diện tích 36.895,4m2), tại ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, chưa được cấp giấy CNQSDĐ vì đang bị quy hoạch. Trên đất có 1.653 cây cao su 11 năm tuổi. Nguồn gốc đất này do bà Anh và ông Lâm mua của ông Bùi Văn Nghĩa và một số người khác bà Anh không nhớ tên.

Bà Anh yêu cầu TAND huyện chia 2 thửa đất diện tích 1.494,7m2 và thửa đất diện tích 380,9m2, có tính công sức đóng góp của bà đối với tài sản có nguồn gốc cha mẹ cho theo tỷ lệ bà Anh 7 phần, ông Lâm 3 phần. Đối với 2 thửa đất diện tích 13.030m2 và 37.047,9m2 thì chia đôi, bà nhận bằng tài sản. Trường hợp bà Anh nhận tài sản là QSDĐ thì có nghĩa vụ thanh toán cho ông Lâm một nửa giá trị.

Dựa vào lời khai của bị đơn để tuyên án không công bằng

Tại bản án sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 1/3/2019 của TAND huyện Chơn Thành, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Anh. Đó là: Chia đôi tài sản là thửa đất diện tích 1.494,7m2 và diện tích 380,9m, bà Anh có nghĩa vụ trả cho ông Lâm một nửa giá trị của 2 tài sản quy ra tiền hơn 693 triệu đồng. Chia giao cho ông Lâm được quản lý, sử dụng thửa đất diện tích 37.047,9m2, ông Lâm có nghĩa vụ trả cho bà Anh nửa giá trị tài sản trên đất là cao su hơn 287,5 triệu đồng. Riêng thửa đất 13.030m2 đứng tên ông Lâm, bản án sơ thẩm buộc bà Anh và ông Lâm giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Mẹ của ông Lâm).

Lý do, TAND cấp sơ thẩm tuyên như trên vì dựa trên lời khai của ông Lâm cho rằng thửa đất 37.047,9m2, do ông tự khai phá vào năm 1991 và tự trồng cao su. Không phải tài sản chung của vợ chồng. Còn tài sản là diện tích 10.030m2, đứng tên ông Lâm, do bà Bích bỏ tiền đưa ông Lâm mua và nhờ đứng tên giúp. Mặc dù bà Bích và ông Lâm hoàn toàn không có chứng cứ bằng văn bản trả tiền cho bà Phước, cũng như việc bà Bích nhờ ông Lâm đứng tên trong giấy CNQSDĐ.

Ngoài ra, TAND huyện Chơn Thành còn dựa vào 4 tài liệu: Văn bản cam kết về việc cam kết thỏa thuận phân chia tài sản ngày 22/4/2015, có chữ ký, chữ viết của bà Anh và nội dung chứng thực của UBND thị trấn Chơn Thành (Tài liệu A1); Biên bản thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn ngày 21/4/2014, có chữ ký, chữ viết của ông Lâm, bà Anh và xác nhận của Trưởng ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành (Tài liệu A2); Văn bản thỏa thuận về việc cam kết thỏa thuận phân chia tài sản ngày 22/4/2014, có chữ ký, chữ viết của ông Lâm, bà Anh và xác nhận của Trưởng ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành (Tài liệu A3); Đơn cam kết về việc thỏa thuận phân chia tài sản ngày 24/11/2014, có chữ ký, chữ viết của bà Anh (Tài liệu A4).

Sau khi có bản án sơ thẩm, bà Anh kháng cáo một phần bản án với đề nghị TAND tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm theo hướng chia cho bà Anh một nửa diện tích thửa đất 13.030m2, và một nửa diện tích thửa đất 37.047,9m2 nêu trên. Bởi lẽ, bà Anh khẳng định trong số tài liệu nêu trên có tài liệu bị giả mạo và việc này đã được UBND thị trấn Chơn Thành trả lời cơ quan điều tra.

Có dấu hiệu giả mạo tài liệu

Tại cấp tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Bình Phước xét xử, bà Anh yêu cầu trưng cầu giám định đối với các tài liệu từ A1 đến A4. Kết luận giám định (KLGĐ) số 55/2019/GĐ-TL ngày 24/10/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: "Nội dung chữ đánh máy ở mặt trước và nội dung chữ đánh máy ở mặt sau trên tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A4 không được in ra từ cùng một máy in vào cùng một thời điểm". Tại kết luận giám định số 83/C09B ngày 27/12/2019 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh, kết luận: "1/ Không đủ cơ sở kết luận nội dung chữ đánh máy ở mặt trước trên các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3, A4 có phải được in thêm từ trang giấy trắng của một văn bản có sẵn ở mặt sau hay không. 2/ Không đủ cơ sở kết luận nội dung chữ đánh máy mặt trước và mặt sau trên các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3, A4 có phải do lắp ghép từ các văn bản khác nhau tạo thành hay không. 3/ Không đủ cơ sở kết luận nội dung chữ đánh máy mặt trước và mặt sau trên các tài liệu cần giám định ký hiệu A2, A3 có phải được in ra cùng một máy in vào cùng một thời điểm hay không".

HĐXX tòa phúc thẩm nhận định những nội dung KLGĐ cho thấy các tài liệu A1 đến A4 có dấu hiệu được sử dụng kỹ thuật tin học và in ấn để tạo thành, nên cần phải xem xét, đánh giá giá trị pháp lý của các tài liệu này để xem xét các tài liệu này có giá trị pháp lý hay vô hiệu? Bởi các tài liệu này là một trong những cơ sở quan trọng để xem xét, quyết định phân chia tài sản cho các bên. Từ những nhận định trên, HĐXX TAND tỉnh Bình Phước tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Thị Loan Anh. Hủy một phần bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 05/2019/ DS-ST ngày 1/3/2019 của TAND huyện Chơn Thành, về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến thửa đất có diện tích 37.047,9m2 và thửa đất diện tích 13.030m2. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Chơn Thành, giải quyết lại phần bản án bị hủy theo quy định của pháp luật.

TAND HUYỆN CHƠN THÀNH TỪNG CÓ VĂN BẢN KHẲNG ĐỊNH TÀI LIỆU GIẢ

Ngày 24/10/2017, TAND huyện Chơn Thành có công văn gửi Công an huyện Chơn Thành, về việc thông báo có dấu hiệu tội phạm “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong vụ án dân sự tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa bà Nguyễn Thị Loan Anh và ông Nguyễn Sơn Lâm.

Đến ngày 9/5/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chơn Thành ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Lý do: Qua giám định cho kết quả hình dấu tròn của UBND thị trấn Chơn Thành (Huyện Chơn Thành) và chữ ký của ông Đoàn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn trong văn bản chứng thực cam kết của chị Loan Anh ngày 22/4/2015, là thật.

Tuy nhiên, chị Loan Anh khẳng định số CMND của chị là 285.518.153, nhưng số CMND trong văn bản chứng thực ngày 22/4/2015 thể hiện là 285.038.175


Yến Thanh
Ý kiến của bạn
Bình luận