Cán bộ, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị thăm Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Sáng 18/4, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có chuyến “về nguồn” đong đầy cảm xúc. Chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ khi chúng tôi được trở về với mảnh đất Tân Thái của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thăm Khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Đón tiếp đoàn chúng tôi, nhà báo Phan Hữu Minh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên - đã chia sẻ những câu chuyện về trải nghiệm, về sự cống hiến và trưởng thành của các thế hệ nhà báo tiền bối - những người từng học dưới mái trường tranh tre nứa lá Huỳnh Thúc Kháng từ năm 1949. Họ đã tận tụy cống hiến và góp phần xây dựng sự nghiệp báo chí cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam hiện nay.

Nhà báo Phan Hữu Minh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên và cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị chụp ảnh lưu niệm dưới bức "Phù điêu" phục dựng 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trong khuôn viên của Nhà trưng bày, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã cùng nhau ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật cho thấy hoạt động sôi nổi của mặt trận báo chí trong 9 năm kháng chiến ở Việt Bắc. Chúng tôi cũng đã có những phút giây lắng đọng lòng mình, để trí tưởng tượng trở về thủa xưa. Nơi giữa cánh rừng Việt Bắc, tiếng máy in báo rì rào hòa trong âm thanh của núi rừng. Nơi giữa khói lửa chiến tranh, có tiếng vọng của những bài giảng về các hoạt động tác nghiệp mang hơi thở nóng hổi của chiến trường.
Bên tấm "Bia di tích" thấm đẫm yếu tố hoài niệm; dưới bức "Phù điêu" phục dựng 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi được nghe nhà báo Phan Hữu Minh và các cán bộ của Khu di tích giới thiệu về lịch sử của Trường dạy làm báo, để cảm nhận sâu sắc về sự kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của báo chí cách mạng Việt Nam.

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bên tấm "Bia di tích" trong khuôn viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Theo nhà báo Phan Hữu Minh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên: Cách đây 75 năm, ngày 04/04/1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên, cách mạng mở lớp dạy làm nghề báo và được Bác Hồ đặt tên là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tên gọi của Trường là để nhớ ơn và noi gương bậc lão thành ái quốc Huỳnh Thúc Kháng - "một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả" (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 - Xã luận Báo "Cứu Quốc" số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc).
Ban Giám đốc của Trường dạy làm báo ngày đó bao gồm các ông: Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo "Độc Lập" (Giám đốc); Xuân Thủy - Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo "Cứu Quốc" (Phó Giám đốc); 03 Ủy viên Ban Giám đốc là các ông Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ. 29 giảng viên của Trường, bao gồm các ông: Trường Chinh; Võ Nguyên Giáp; Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, vv…

Nhà báo Phan Hữu Minh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ về lịch sử hình thành Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Thời gian đã trôi qua 75 năm, kể từ ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Từ ngôi trường này, 42 học viên trẻ tuổi đã được truyền dạy cách thức làm báo, để trở thành những nhà báo thời chiến. Những tên tuổi như: Thép Mới, Trần Kiên, Mai Thanh Hải, Lý Thị Trung, Mai Cương... đã trở thành những hạt nhân tiêu biểu của Báo chí cách mạng Việt Nam. Họ đã chiến đấu và tác nghiệp ở những chiến trường ác liệt nhất, cống hiến và hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước…
Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử quan trọng này, từ nhiều năm về trước, Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện việc lập hồ sơ để các ban ngành chức năng công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là Di tích quốc gia. Năm 2019, với sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, của nhân dân, chính quyền huyện Đại Từ và xã Tân Thái, cùng sự đồng thuận, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng để Trường trở thành "địa chỉ đỏ", phát huy đầy đủ giá trị lịch sử của người làm báo trong công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Phùng Xuân Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị - phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Phát biểu nhân chuyến thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Phùng Xuân Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị - chia sẻ: Hàng năm, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị thường xuyên tổ chức các hoạt động "Về nguồn" nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí nắm vững được truyền thống, lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, nhằm trau dồi, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Năm nay, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị chọn địa điểm "Về nguồn" là Khu di tích quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, chúng tôi đã được nhắc nhớ về nơi có lớp học dạy làm báo đầu tiên và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với những ký ức đặc biệt. Chúng tôi biết rằng, từ mái trường đơn sơ này, lớp báo chí đầu tiên đã góp phần hình thành phẩm chất, bản lĩnh, năng lực cho nhiều nhà báo tên tuổi, đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, trở thành những hạt nhân tiêu biểu, bồi đắp nền tảng vững chắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí tham quan khuôn viên Nhà trưng bày.
Đồng chí Phó Tổng Biên tập Phùng Xuân Lâm bày tỏ niềm tin rằng, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ ngày càng phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng - là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Dịp này, đồng chí Phó Tổng Biên tập cũng nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí về việc noi gương thế hệ đi trước, miệt mài hơn, tận tụy với nghề hơn; nỗ lực góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và niềm tin đến với độc giả, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (08/9/1962): "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp cách mạng".







Một số hình ảnh của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí trong khuôn viên Trường.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, chăm lo cho người yếu thế
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị do Phó Tổng Biên tập Phùng Xuân Lâm dẫn đầu, đã đến thăm Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên - nơi đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 59 "mảnh đời" cơ nhỡ, bất hạnh, trong đó có nhiều người khuyết tật, các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ em là con của những người đang chấp hành hình phạt tù, không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng,…

Đoàn công tác của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cùng đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Xuất nhập khẩu Bích Thủy (Bắc Giang) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ và các trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Tại đây, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Xuất nhập khẩu Bích Thủy (Bắc Giang) trao tặng 01 tấn gạo, 500kg vải may mặc và một số quà tặng khác cho Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên. Những món quà này không chỉ mang giá trị vật chất mà còn thể hiện sự chia sẻ, động viên về mặt tinh thần, giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội mà Trung tâm đang cưu mang, nuôi dưỡng cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Thương mại Xuất nhập khẩu Bích Thủy, ông Đỗ Văn Tuyên - đại diện Ban lãnh đạo Công ty trao quà cho đại diện Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Ngụy Quang Vinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên - đã thay mặt cán bộ, công nhân viên và các đối tượng đang sống tại Trung tâm, cảm ơn Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị và Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Xuất nhập khẩu Bích Thủy đã dành sự quan tâm, chia sẻ tới Trung tâm và những người đang được nuôi dưỡng tại đây. Trung tâm rất mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên, trợ giúp của xã hội đối với những người yếu thế.
Bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Thương mại Xuất nhập khẩu Bích Thủy, ông Đỗ Văn Tuyên - đại diện Ban lãnh đạo Công ty cho biết: Nhiều năm qua, với tinh thần "tương thân, tương ái", với trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội, Tổng Giám đốc Công ty - bà Trần Thị Bích Thủy, cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã luôn dành nhiều nhân lực, vật lực để hỗ trợ người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội,… thông qua các chương trình xã hội từ thiện thiết thực. Từ đó, mang đến cánh cửa hy vọng cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, để họ có cuộc sống tốt hơn, giúp họ vượt qua khó khăn bằng tình yêu thương, chia sẻ.

Ông Ngụy Quang Vinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên - phát biểu cảm ơn tại buổi trao quà.
Trong thời gian tới, Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Thương mại Xuất nhập khẩu Bích Thủy sẽ tiếp tục đề cao mục tiêu phụng sự cộng đồng, kết nối yêu thương, lan tỏa hạnh phúc; đồng thời, chú trọng đến các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như là một cam kết trong chiến lược phát triển bền vững của Công ty.

Ông Phùng Xuân Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cho biết: Trong nhiều năm qua, để có thể giúp đỡ các số phận kém may mắn vươn lên trong cuộc sống, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã thường xuyên kết nối nhà hảo tâm, đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân có tấm lòng thiện nguyện, trao tặng quà và hiện vật, giúp đỡ cho những cảnh đời khó khăn có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ thường xuyên từ những vòng tay nhân ái của các doanh nghiệp, các nhà thiện nguyện, để tạo cơ cơ hội tốt nhất cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong hành trình xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình - phồn vinh - ấm no - hạnh phúc.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Vận tải Thương mại Xuất nhập khẩu Bích Thủy phát biểu tại buổi trao quà.

Quang cảnh buổi trao quà tặng.


Một số hình ảnh tại buổi trao quà.

Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.