Ngành điện cần hơn 266 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới

Tài chính - Đầu tư
11:00 AM 21/04/2025

Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.

Theo QHĐ 8 điều chỉnh, con số 266,3 tỷ USD là nhu cầu vốn rất lớn, được chia thành các giai đoạn: khoảng 136 tỷ USD cho giai đoạn 2026-2030 và 130 tỷ USD cho giai đoạn 2031-2035.

Ngành điện cần hơn 266 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới- Ảnh 1.

Kho cảng LNG 1 MMTPA Thị Vải - nơi nhập khẩu nguồn khí cung cấp cho an ninh năng lượng và ngành điện tại Việt Nam. Ảnh: PVGAS

Nguồn vốn dự tính này nhằm đáp ứng mục tiêu công suất điện đặt ra theo QHĐ 8 điều chỉnh. Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 650 - 624 tỷ kWh đến năm 2030, cao hơn so với năm 2024 từ 82-102%. Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho mức tăng trưởng GDP bình quân 10% trong giai đoạn 2026-2030.

Để đạt được mục tiêu này, mục tiêu tổng công suất điện đến năm 2030 dự kiến đạt 183-236 GW, tăng 122%-187% so với năm 2024 và tăng 16-49% so với QHĐ 8 trước khi điều chỉnh.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện sẽ được đầu tư để đảm bảo năng lực truyền tải điện, như xây dựng mới 12.944km đường dây truyền tải và cải tạo 1.404km đường dây 500kV.

Do nguồn lực công có hạn, Việt Nam sẽ huy động khu vực tư nhân và nguồn vốn nước ngoài tham gia tích cực vào ngành trong giai đoạn tới, đặc biệt thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, nguồn vốn nước ngoài đang gặp rào cản khi thủ tục phê duyệt vay ODA và vốn ưu đãi rất phức tạp. Với các khoản vay theo hình thức tự vay tự trả, quá trình thẩm định và xét duyệt cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước như EVN. Bên cạnh đó, do hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp ngành điện chưa đạt mức “đầu tư”, nên chưa thể tiếp cận các khoản vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài hạn.

Để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào ngành điện, theo các chuyên gia, cần giải quyết đồng bộ các yếu tố quan trọng.

Cụ thể, việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh (giá điện minh bạch) là cần thiết nhằm tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả, tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch; hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; Điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...

Chính sách và thể chế phải ổn định, dài hạn để phù hợp với đặc thù đầu tư đắt đỏ, thời gian xây dựng kéo dài và chu kỳ thu hồi vốn chậm của ngành điện. Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành, huy động đủ vốn và lựa chọn công nghệ phù hợp cũng là những yếu tố then chốt.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hà Nội: Xe buýt, đường sắt đô thị tăng cường hoạt động phục vụ dịp lễ 30/4 - 1/5 Hà Nội: Xe buýt, đường sắt đô thị tăng cường hoạt động phục vụ dịp lễ 30/4 - 1/5

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Quốc tế Lao động (1/5) năm 2025.