Canada đứng Top 2 trong khối thị trường CPTPP nhập khẩu cá tra từ Việt Nam
Hiện Canada vẫn là thị trường lớn thứ 2 trong khối CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đến 15/3 đạt hơn 8 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nửa đầu tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Canada đạt 2,3 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 15/3/2024, Canada đã nhập khẩu hơn 8 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện Canada vẫn duy trì là thị trường lớn thứ 2 trong khối CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam, chiếm 20% trong tổng giá trị khối này nhập khẩu từ Việt Nam.
So với các thị trường khác cùng khối CPTPP, người tiêu dùng ở Canada rất ưa chuộng các món ăn từ phile cá tra, phile cá da trơn đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh,... Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2024, Canada NK từ Việt Nam hơn 900 tấn, trị giá 2 triệu USD, giảm 10% về giá trị và tăng 28% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) cho Canada với hơn 9.000 tấn, trị giá gần 31 triệu USD.
Canada NK cá tra từ nhiều nguồn cung như Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác, trong đó nổi bật là sản phẩm cá tuyết cod và cá haddock, cá rô phi.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh nhất của Việt Nam tại thị trường Canada. Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này.
Chẳng hạn như cá basa gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; mặt hàng tôm (bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến) đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; mặt hàng cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh cũng chiếm tới 89% thị phần. Chỉ có cá ngừ chế biến hiện có thị phần còn thấp.
Theo các chuyên gia, Canada là thị trường thủy sản giá tốt, tăng trưởng ổn định trong khối Bắc Mỹ. Quốc gia thuộc khối CPTPP này cũng có mối quan hệ thương mại gần gũi và thân thiết với hai thị trường là Hoa Kỳ và Trung Quốc và chủ yếu là các sản phẩm khai thác từ biển.
Để duy trì và phát triển thị trường này trong tương lai, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần tiếp tục đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và quy định của Canada. Việc xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định và lâu dài cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc hợp tác với các nhà phân phối và nhà bán lẻ tại Canada để đảm bảo sản phẩm Việt Nam được tiếp cận với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Huyền My (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.