Công an TP Ninh Bình: Triển khai tháng cao điểm đảm bảo TTATGT lứa tuổi học sinh
Thực hiện Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, từ ngày 1/10 - 31/10, Công an thành phố Ninh Bình tổ chức ra quân cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn.
Theo kế hoạch, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Ninh Bình sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh, các em học sinh cũng như phòng ngừa va chạm, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với học sinh.
Trong đó, lực lượng CSGT tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển; các trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh...
Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, tập trung tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến giao thông đường bộ được phân cấp theo Quyết định số 3231/QĐ-CAT-PV01-PC08 ngày 06/11/2023 của Giám đốc Công an tỉnh; địa bàn gần khu vực trường học, cổng trường học, khu vực thanh thiếu niên, học sinh thường xuyên tụ tập, điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT.
Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, tập trung tại các điểm đường sắt giao nhau với đường bộ, khu vực trường học gần đường sắt, các điểm vui chơi, giải trí gần đường sắt, các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt...
Cùng với công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT lực lượng CSGT Công an TP Ninh Bình phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, trường học, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho các em học sinh nắm vững quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện, quy tắc khi tham gia giao thông đảm bảo an toàn; kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp khi tham gia giao thông như: xử lý tình huống khi xảy ra va chạm giao thông; khi đi trên phương tiện thủy và khi đi qua đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Đồng thời, tuyên truyền cho các em hiểu về hậu quả cho bản thân, gia đình, xã hội do các hành vi vi phạm TTATGT gây ra như: Điều khiển xe không có Giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, người chỉ huy giao thông; dàn hàng ngang trên đường; đi ngược chiều đường của đường một chiều, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đua xe trái phép... chú trọng tuyên truyền bằng các biện pháp trực quan, có video, clip, hình ảnh minh họa bằng các vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên, những hậu quả TNGT do hành vi vi phạm gây ra để các em dễ hình dung, liên tưởng, dễ hiểu và góp phần răn đe, phòng ngừa chung, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông.
Tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh tham gia giáo dục, hướng dẫn, quản lý con em trong việc tham gia giao thông đảm bảo an toàn, không vi phạm các quy định về TTATGT, chú ý phòng tránh các nguy cơ xảy ra TNGT, bảo đảm an toàn cho chính bản thân; không giao xe cho con em điều khiển khi không đủ điều kiện.
Tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT; phát huy, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, đội thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường, trong các khung giờ cao điểm, xây dựng, hình thành thói quen chấp hành các quy định về TTATGT tại cổng trường đối với học sinh và phụ huynh học sinh.
Tổ chức cho các em học sinh và phụ huynh học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về giao thông, chấp hành nghiêm các quy tắc khi tham gia giao thông trên đường bộ, đường sắt; các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đưa, đón học sinh như: ô tô, thuyền, phà... chấp hành nghiêm các quy định về an toàn phương tiện, an toàn giao thông khi chở học sinh.
Phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, truyền hình Trung ương, địa phương, truyền thanh 3 cấp và trên trang Fanpage Công an thành phố xây dựng các tin, bài, phóng sự, video, clip đưa tin tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng chức năng; các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây ra TNGT, nhất là liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo gắn trách nhiệm của nhà trường, giáo viên trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh; đưa nội dung này là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại hạnh kiểm hằng năm đối với các nhà trường, giáo viên, học sinh; chỉ đạo các nhà trường không tổ chức trông, giữ xe mô tô đối với học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, đồng thời phối hợp với chính quyền, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn yêu cầu các hộ dân trông, giữ xe xung quanh trường học cam kết không nhận trông, giữ xe ô tô của học sinh; xử lý dứt điểm các điểm trông, giữ xe tự phát nhận trông, giữ xe cho học sinh...
Vy Linh - Tri ThứcVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.