Dân ca Cao Lan – nét đẹp văn hóa cần được phát huy

Địa phương
08:42 AM 18/11/2024

Đồng bào dân tộc Cao Lan tự hào có dân ca Cao Lan (Sình ca) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2012). Và ở Bắc Giang, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo này đã và vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Cao Lan.

Đối với người Cao Lan, hát Sình ca vô cùng quen thuộc. Ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, những điệu Sình ca đã được vang lên bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn. Rồi cứ thế, những điệu Sình ca ngấm dần vào tâm thức. Vào những ngày xuân, ngày hội hay khi đi nương rẫy, người Cao Lan đều hát Sình ca. Đồng bào Cao Lan mê say dân ca bởi nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài ca ngợi sản xuất, hát về thiên nhiên; phụng thổ công, thần nông, hát mừng nhà mới, đám cưới, ru con, hát đền ơn cha mẹ, hát đố, hát ghẹo…

Qua những làn điệu dân ca, người Cao Lan muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện với thiên nhiên, thần linh. Ở Bắc Giang, Sình ca tập trung chủ yếu ở một số huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế.

Những năm gần đây, với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Cao Lan, một số địa phương đã thành lập CLB. CLB hát dân ca Cao Lan (Lục Ngạn) được thành lập năm 2012 do ông Chung Văn Thảo (74 tuổi) làm Chủ nhiệm. Thuở nhỏ, ông Thảo được đắm mình trong những lời ru, câu hát của đồng bào, những câu ca đã nuôi dưỡng tâm hồn để rồi cho đến bây giờ như mạch nguồn chảy mãi trong trái tim ông. Ông Thảo chia sẻ, ban đầu khi thành lập CLB có 14 người, nay đã lên tới 48 thành viên, trong đó có cả thanh thiếu niên, trung niên, người cao tuổi.

Dân ca Cao Lan – nét đẹp văn hóa cần được phát huy- Ảnh 1.

Đội văn nghệ hát Sình ca ở xã Kim Phú (Yên Sơn) Ảnh: ST

CLB Sình ca của thôn Đèo Gia và Cống Luộc (xã Đèo Gia) cứ mỗi quý sinh hoạt một lần tại nhà nhà văn hóa cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, CLB truyền dạy cho 19 học sinh THCS và THPT trên địa bàn xã. Hiện nay, CLB có bà Đàm Thị Hội (74 tuổi) được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Ở các buổi sinh hoạt, từ nội dung sách hát Sình ca do ngành văn hóa biên soạn, ông Thảo chọn lọc những bài hát hay, phổ biến rồi in ra để mọi người học. Đến nay, các thành viên CLB có thể thuộc 30-40 bài, tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi.

Ở xã Lục Sơn (Lục Nam), An Lập (Sơn Động) hay Xuân Lương (Yên Thế), Kim Phú (Yên Sơn), Sình ca cũng được người dân bản địa lưu giữ từ nhiều đời. Tuy không thành lập được CLB song vào dịp Tết, lễ hội, các cụ cao niên vẫn duy trì hát Sình ca để bảo tồn di sản. Người Cao Lan trên địa bàn xã Xuân Lương (Yên Thế )chiếm khoảng 40%, tập trung ở các bản: Ven, Thượng Đồng, Nghè.l

Tuy nhiên, số người hát được Sình ca ít dần, hiện chỉ còn khoảng 10 người ở một số bản, tuổi đời cũng 70 trở lên. Ở một số huyện khác, Sình ca chưa được chính quyền, ngành chức năng thực sự quan tâm, kinh phí đầu tư cho hoạt động của CLB hầu như không có, lớp trẻ tham gia ít, có nơi tuy thành lập được CLB nhưng hoạt động đơn điệu, rời rạc. Cái hay, cái độc đáo của dân ca Cao Lan ở Bắc Giang đó là tính bảo tồn nguyên gốc, họ giữ được tiếng nói không bị mai một, pha trộn với những tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số khác. Trang phục của người Cao Lan cũng rất độc đáo, thêu, dệt cầu kỳ.

Đặc biệt, vùng Tây Yên Tử bao gồm một số xã của huyện Lục Nam, Sơn Động hay như xã Xuân Lương (Yên Thế) có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, nếu phát huy tốt giá trị di sản đặc sắc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Dân ca Cao Lan – nét đẹp văn hóa cần được phát huy- Ảnh 2.

Một buổi tập luyện của các thành viên một CLB hát múa dân tộc Cao Lan. Ảnh : vietnamtourism.gov.vn

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn dân ca Cao Lan, như: Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu các bài hát; công nhận nghệ nhân; tổ chức trưng bày di sản dân tộc Cao Lan tại các sự kiện, ngày hội văn hóa…

Để dân ca Cao Lan không bị mai một, bên cạnh những giải pháp trên, chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động của CLB, có cơ chế khuyến khích, động viên nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Ngành văn hóa, giáo dục thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi, giới thiệu, đưa dân ca dân tộc thiểu số vào các tiết học ngoại khóa… từ đó, tạo sức lan tỏa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

PV
Ý kiến của bạn
Bình luận