Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa

Địa phương
07:27 AM 16/05/2024

Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, huyện Thiệu Hóa đã khôi phục, phát triển nghề truyền thống, đồng thời du nhập, nhân cấy thêm nghề mới. Từ đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có hơn 2.000 cơ sở phát triển các ngành nghề nông thôn, điển hình: Đúc đồng, mây tre đan, ươm tơ, dệt nhiễu, làm bánh đa, mộc dân dụng... đã và đang tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hơn 5.000 lao động tại địa phương. Để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, giúp sản phẩm làng nghề ổn định đầu ra, chủ các cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ hiện đại, máy móc tân tiến vào sản suất.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa- Ảnh 1.

Làng nghề đúc đồng truyền thống làng Chè, nay còn gọi là làng Trà Đông xã Thiệu Trung.

Qua đó, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn tăng qua từng năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho lao động nông thôn; một số nghề còn góp phần mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển. Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống; việc du nhập, nhân cấy nghề mới thời gian qua cũng được huyện quan tâm, mỗi năm huyện mở gần chục lớp đào tạo nghề với hơn 500 người tham gia.

Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng các làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, huyện Thiệu Hóa đã khôi phục, phát triển nghề truyền thống, đồng thời du nhập: làng nghề đúc đồng truyền thống làng Chè, nay còn gọi là làng Trà Đông. Trải qua bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn luôn "đỏ lửa". Những nghệ nhân làng Trà Đông vẫn cho ra đời những sản phẩm đúc đồng tinh xảo phục vụ nhu cầu của khách hàng muôn phương.

Làng nghề đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Ngoài những vật dụng hàng ngày, các nghệ nhân tài hoa đã nghiên cứu, khôi phục những kỹ thuật đúc trống đồng, chiêng đồng, tượng đồng. Trong đó, đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa.

Để có được một sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn, người thợ phải chú tâm, cẩn thận chau chuốt từng chi tiết. Họ như những nghệ sĩ tài hoa đang thổi vẻ đẹp của đất và người vào những sản phẩm đồng. Với những giá trị tiêu biểu, năm 2018, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những sản phẩm của những nghệ nhân đúc đồng Trà Đông đã góp phần lưu giữ hồn cốt văn hóa nghìn đời, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, Làng nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống độc đáo của cả nước mà còn là địa chỉ du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách gần xa.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa- Ảnh 2.

Phát triển làng nghề bánh đa truyền thống tại xã Tân Châu, huyện Thiệu Hoá.p

Không chỉ vậy, ở Thiệu Hóa còn có làng nghề làm bánh đa truyền thống làng Chòm nay là làng Đắc Châu, xã Tân Châu, từ bao đời đã vang tiếng xa gần. Nếu ai đã một lần ăn bánh của vùng đất này, hẳn sẽ không bao giờ nhầm lẫn với bánh đa của những miền quê khác. Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm, nghề làm bánh đa truyền thống ở làng Đắc Châu đã có hơn 100 năm tuổi. Bánh đa làng Đắc Châu gắn liền với câu chuyện lịch sử mà được các cụ cao niên trong làng kể lại: Bánh đa, trước đây còn gọi là bánh tráng, khoảng giữa thế kỷ 17, Chúa Trịnh Tráng ra lệnh phải đổi tên tất cả những sản phẩm có tên tráng vì phạm vào tên Chúa, vì vậy tên gọi bánh tráng trước đây đã được thay bằng "bánh đa" cho đến bây giờ.

Trước đây, nghề làm bánh đa trước chỉ là 1 nghề phụ, nên nghề làm bánh đa làng Đắc Châu chỉ chiếm 1/4 số hộ trong làng, bánh làm ra chủ yếu tiêu thụ trong huyện. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên dần dần nghề làm bánh đa được xem như nghề có thu nhập và là nghề chính của người làng Đắc Châu. Hiện nay, toàn xã Tân Châu có khoảng hơn 240 hộ làm bánh đa, với 1.000 lao động. Công việc tráng bánh thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ trưa để kịp phơi bánh. Trung bình mỗi hộ gia đình sản xuất khoảng 1.000 – 1.500 chiếc/ngày. Giá bán từ 5.000 – 10.000 đồng/chiếc. Thu nhập bình quân cho một lao động 400.000 – 500.000 đồng/ngày.

Để tạo nên chiếc bánh đa làng Đắc Châu ngon, đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn tráng bánh. Nguyên liệu làm bánh đa gồm có: gạo, vừng, tinh bột sắn, muối, gấc và đường. Gạo để làm bánh đa chủ yếu là gạo ít dẻo, gạo được vo kỹ, ngâm nước 30 phút rồi xay sau đó trộn đều các nguyên liệu với muối, gấc, đường. Vừng làm bánh được chọn kỹ, hạt căng và mẩy, phơi kỹ lưỡng và được làm sạch. Công đoạn đưa bột gạo vào nồi tráng thành bánh cũng là công đoạn vô cùng quan trọng. Bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải. Bánh đa làng Đắc Châu luôn chứa đựng sự tinh tế của người làm bánh, dưới đôi bàn tay khéo léo của người làm bánh, bánh được tráng đều, được đặt lên trành làm bằng tre, nứa rồi đem ra phơi khô. Trành tre, nứa phải được uốn vừa độ để đảm bảo tạo lên nét riêng cong cong của chiếc bánh đa Đắc Châu góp phần cho bánh giòn và ngon hơn.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống tại huyện Thiệu Hóa- Ảnh 3.

Bánh tráng Đắc Châu phơi khô đến đâu được thu mua đến đấy.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế để phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện. Song, theo đánh giá của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình ít vốn, sức đầu tư thấp, tính phổ biến, đa dạng về sản phẩm thiếu đa dạng, chưa phù hợp với thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng. Sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nhân, người sản xuất, nhà quản lý... chưa trở thành một khối thống nhất để phát huy tiềm năng lớn của làng nghề cũng như thế mạnh du lịch của huyện...

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của làng nghề, góp phần phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới huyện Thiệu Hóa xác định tiếp tục khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trên cơ sở Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được ban hành, huyện khuyến khích, kêu gọi các cơ sở sản xuất có sản phẩm đặc trưng, đã được bày bán trên thị trường tham gia vào chương trình nhằm nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức cho các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ để tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn; có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Bình luận
Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ

Theo báo cáo từ Economist Intelligence Unit (EIU), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện mạnh nhất trong giai đoạn 2003-2023, với điểm đánh giá đạt 1,3 điểm, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được nghiên cứu.