Đề xuất tăng giá vé xe buýt Hà Nội lên cao nhất 20 nghìn đồng/lượt
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/7/2024. Theo đó mức tăng dao động từ 10 % đến 55%.
Thành phố hiện có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. Giai đoạn 2015 - 2019, thành phố đã trợ giá trung bình 1.371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng).
Trong đó, ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước và miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh, nên giá vé đang thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Trong chi phí giá vé xe buýt, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, trong khi các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… đều đã tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.
So với 9 năm về trước, hiện mạng lưới các tuyến buýt có 132 tuyến trợ giá phủ rộng khắp 30/30 quận, huyện, thị xã, tuyến cự ly dài nhất 61,05 km. Giá vé hiện nay của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km có mức giá như nhau là chưa phù hợp với cự ly di chuyển của hành khách.
Cùng với đó, việc tăng vé xe buýt này cũng nhằm giảm mức trợ giá của thành phố, vì thực tế các năm qua, do giá vé xe buýt thấp nên thành phố luôn phải tăng trợ giá năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, còn năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng có giảm nhưng không nhiều.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15 km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30 km đến dưới 40 km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng và từ 40 km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.
Vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).
Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở GTVT Hà Nội dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3%, nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
An Mai (t/h)“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.