Doanh nghiệp “oan uổng" vì câu chữ?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:01 PM 18/07/2020

Thay vì sử dụng cụm từ “chế biến” để được áp dụng thuế mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mức 10%, 15% ngành thuế sử dụng cụm từ “sơ chế” khiến doanh nghiệp thủy sản phải chịu mức thuế lên đến 20%.

Duy trì ổn định sản xuất và phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nỗ lực “kép” mà các doanh nghiệp thuỷ sản Cà Mau cùng người lao động đang phải trải qua trong 4 tháng đầu năm 2020 có nhiều biến động

Đó là những bức xúc và phản ánh của các doanh nghiệp thủy sản thuộc Hiệp hội thủy sản tỉnh Cà Mau thành viên (VASEP), sau khi nhận được Thông báo 1057 của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế TNDN từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Lật – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Lộc Kim Chi, cho rằng: Khái niệm của cụm từ sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc “bán thành phẩm” cho khâu “chế biến” thực phẩm. Do đó, nếu ngành thuế dùng cụm từ “sơ chế” để áp dụng cho các doanh nghiệp chế biến biến thủy sản là không phù hợp.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM phân tích, chế biến là tạo giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đầu tư công nghệ để đưa ra thị trường sản phẩm có giá trị. Do đó, điều kiện cần là nguyên liệu tốt và điều kiện đủ là công nghệ hiện đại.

Vì vậy, để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư tạo vùng nguyên liệu sạch, mà còn xây dựng các nhà máy quy mô, hiện đại, điều này đòi hỏi sự đầu tư không hề nhỏ. Và quan trọng hơn, mục tiêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ không chỉ dừng lại ở việc được hưởng mức thuế TNDN từ 20% xuống còn 10% mà còn hướng tới các điều kiện để doanh nghiệp hưởng thuế suất 0% từ dịch vụ xuất khẩu. Do đó, các Bộ ngành, đặc biệt là ngành thuế cần phải nghiên cứu thật kỹ để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành chế chế biến thủy sản nói riêng được hưởng những cơ chế này theo đúng quy định của pháp luật.

“Trong trường hợp này, ngành thuế cần phải xem lại một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, chứ đừng dùng câu chữ mà bắt doanh nghiệp phải nộp thêm 10% thuế TNDN gây thiệt thòi cho doanh nghiệp và làm sai chủ trương khuyến khích đầu tư” – bà Chi nói.

Sau khi VASEP gửi kiến nghị tới Bộ NN&PTNT, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 4476 do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản "chế biến" và "sơ chế".

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Hương Giang
Ý kiến của bạn
Bình luận