Hà Nội: Nhiều mô hình hay, sáng kiến tốt tạo thuận lợi cho người dân làm TTHC
Thời gian qua, nhiều sáng kiến, mô hình trong cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn TP Hà Nội đã được triển khai hiệu quả nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả, được người dân đánh giá cao.
Nhiều mô hình, cách làm hay
Nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và mức độ hài lòng của người dân trong việc thực hiện TTHC, từ ngày 20/6/2024, huyện Ba Vì triển khai thực hiện mô hình “Giờ làm việc thứ 9” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC vào thứ 5 hàng tuần.
Theo đó, tăng thời gian làm việc thêm 1 tiếng đồng hồ (ngoài giờ hành chính) để phục vụ người dân có nhu cầu giải quyết các TTHC mà không có thời gian đến bộ phận Một cửa các cấp trong giờ hành chính. Mô hình được thực hiện không chỉ nhằm mục đích tăng thời gian hỗ trợ cho công dân mà còn tạo không khí gần gũi giữa cán bộ, công chức với công dân khi đến giao dịch, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, công dân.
Ngoài huyện Ba Vì, nhiều đơn vị cũng đã đưa vào triển khai mô hình để đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Như tại phường Mỹ Đình 1, mô hình “Một cửa đô thị hiện đại” được gắn với “Chuyển đổi số trong quản trị, điều hành”, đồng thời với mô hình “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại phường với mục tiêu nhanh, gọn, chính xác, đúng quy định.
Hay như mô hình quyển sổ “Phiếu góp ý” tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), được lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường ký, ghi ngày và đề “Đã xem” vào từng trang giấy mà công dân nêu ý kiến. Bằng cách làm này, lãnh đạo phường không chỉ thể hiện sự trân trọng với những góp ý của người dân mà còn qua đó nắm bắt thông tin để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính…
Ngoài ra còn có mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công” được huyện Gia Lâm triển khai đồng loạt tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện và 100% UBND xã, thị trấn trên địa bàn. Cụ thể, tại mỗi bộ phận “một cửa” được cấp một mã QR, được in và đặt tại các quầy giao dịch, ở vị trí công dân dễ tiếp cận. Sau khi trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, công chức hướng dẫn người dân sử dụng smartphone để quét mã. Thông qua các mã này người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.
Với việc triển khai hiệu quả các mô hình, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, trong 6 tháng đầu năm, việc tổ chức triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC trên địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả cao; việc công khai TTHC được thực hiện nghiêm, đúng quy định, bảo đảm tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện TTHC đơn giản, thuận lợi.
Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của thành phố đạt kết quả cao; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về quy định hành chính, thực hiện TTHC được thực hiện đúng quy định. Trong quý 2/2024, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC toàn thành phố là 1.107.196 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 1.060.658 hồ sơ; giải quyết trước hạn, đúng hạn 1.059.173 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,85%.
Những mô hình, sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính không chỉ thể hiện tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động hành chính công của TP mà còn có những tác động tích cực, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giao dịch với cơ quan hành chính.
Chú trọng nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC
Theo UBND TP Hà Nội, thời gian qua, thành phố luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC nhằm tìm kiếm những sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Trước đó, vào tháng 4, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Cuộc thi nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố để tìm ra ý tưởng, giải pháp thiết thực, đẩy mạnh hiệu quả CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Từ đó, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số Hài lòng (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 và các năm tiếp theo.
Để phục vụ công cuộc cải cách hành chính thời gian tới, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thành phố đang rà soát lựa chọn 30 dịch vụ công phục vụ dân sinh, đơn giản, phát sinh nhiều hồ sơ để tái cấu trúc, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyêt toàn trình để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tập trung vào việc xây dựng và liên kết, chia sẻ các cơ sở dữ liệu đặc biệt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo tiền đề cho việc thực hiện chuyển đổi số trong cải cách TTHC.
Đến thời điểm này, UBND thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND thành phố, UBND thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Huyền MySáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.