Hà Nội: Phê duyệt phương án, vị trí 3 nút giao thông trọng điểm Vành đai 3,5

Phòng phóng viên
07:37 AM 20/07/2025

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3852/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án, vị trí 3 nút giao thông giữa tuyến đường Vành đai 3,5 với tuyến đường trục phía Nam; Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, tỷ lệ 1/500.

Theo Quyết định, vị trí 3 nút giao thông thuộc địa bàn các xã Thanh Trì, Nam Phù, Đại Thanh và các phường Kiến Hưng, Phú Lương: Nút giao với tuyến đường trục phía Nam là nút giao khác mức liên thông dạng hoa thị biến thể, bố trí đầy đủ nhánh rẽ cho tất cả các hướng;

Nút giao với Quốc lộ 1A: nút giao khác mức trực thông, xây dựng cầu vượt trên tuyến đường vành đai 3,5 đảm bảo tĩnh không đường sắt hiện trạng và Quốc lộ 1A;

Nút giao với tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sử dụng dạng hoa thị, không bố trí nhánh rẽ trái từ đường vành đai 3,5 đi Pháp Vân.

Hà Nội: Phê duyệt phương án, vị trí 3 nút giao thông trọng điểm Vành đai 3,5- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Chỉ giới đường đỏ 3 nút giao thông được xác định theo thông số kỹ thuật, điều kiện khống chế; nội dung thiết kế chi tiết trong phạm vi chỉ giới sẽ được cụ thể hóa tại dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt.

UBND Thành phố Hà Nội giao: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ tỷ lệ 1/500. Cập nhật nội dung đã phê duyệt vào các quy hoạch có liên quan; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố: Chủ trì công bố công khai phương án được duyệt.

Bàn giao hồ sơ cho các UBND các xã, phường: Thanh Trì, Nam Phù, Đại Thanh, Kiến Hưng, Phú Lương và các cơ quan liên quan. Phối hợp với các Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đảm bảo phù hợp với quy định chuyên ngành.

Ngoài ra, UBND các xã, phường nêu trên quản lý xây dựng theo quy hoạch. Kiểm tra xử lý các trường hợp xây dựng công trình vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

phê duyệt phương án, vị trí 3 nút giao thông trên tuyến đường Vành đai 3,5 không chỉ nhằm giải quyết bài toán hạ tầng giao thông, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển dài hạn của Thủ đô Hà Nội. Khi hoàn thiện, các nút giao này sẽ góp phần giảm ùn tắc tại các cửa ngõ trọng điểm, cải thiện lưu thông, đồng thời thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh và khu dân cư mới.

Hạ tầng giao thông đồng bộ cũng tạo ra động lực lớn trong thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân. Xa hơn, đây là những mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả mà Hà Nội đang hướng tới theo quy hoạch dài hạn.

Việc tập trung nguồn lực hoàn thiện các nút giao trọng yếu không chỉ là giải pháp trước mắt để xử lý ùn tắc, mà còn là bước đi căn cơ để kiến tạo một Thủ đô năng động, kết nối và phát triển bền vững.

Theo Thư viện pháp luật, tuyến Vành đai 3,5 Hà Nội được chia thành 5 phân đoạn, mỗi đoạn có tính chất và đặc điểm riêng, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối hiệu quả các khu vực trong thành phố.

Tuyến đường dài khoảng 43km, được thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn an toàn cao, với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, thể hiện vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội.

Dự án có mặt đường rộng từ 60-80m, gồm 6-8 làn xe, đủ năng lực đáp ứng lưu lượng giao thông lớn. Ngoài ra, tuyến còn được bố trí các đường song hành, làn riêng dành cho xe máy và phương tiện thô sơ, đảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn cho mọi loại hình phương tiện.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Bình luận