Khu công nghiệp sinh thái - đầu tư cho mô hình phát triển bền vững
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khu công nghiệp nào được công nhận, cấp chứng chỉ là khu công nghiệp sinh thái. Một số khu công nghiệp đã bước đầu triển khai mô hình sinh thái, tuần hoàn, tái chế chất thải nhưng tỷ trọng còn rất hạn chế.
Các nghiên cứu cho thấy, khu công nghiệp xanh có thể giúp tăng năng suất lao động từ 15-25% nhờ áp dụng công nghệ cao, cải thiện môi trường làm việc và thu hút nhân sự chất lượng. Đồng thời, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt tiếp tục tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, xu thế chuyển đổi xanh - bền vững cũng đang có những thay đổi khó lường. Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Netzero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.
Tại Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025 với chủ đề "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững", ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng, cho biết, phong trào khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái được bắt đầu từ năm 2018 nhưng thực tế đến nay không có nhiều khu công nghiệp mặn mà với mô hình này.
Mặc dù chính sách về vấn đề này đã được ban hành từ năm 2018, được hoàn thiện bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với hệ thống tiêu chí rõ ràng, và có thông tư hướng dẫn nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khu công nghiệp nào được công nhận cấp chứng chỉ là khu công nghiệp sinh thái.
Hiện nay có một số khu công nghiệp đã bước đầu triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, tái chế chất thải nhưng tỷ trọng còn rất hạn chế. Hiện cả nước đã có sáu khu công nghiệp tại ba miền Bắc, Trung, Nam tham gia chương trình, được lựa chọn từ hơn 20 khu công nghiệp được đánh giá ban đầu. Sau 4 năm tham gia, các khu công nghiệp như Deep C (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh)… đều ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tại khu công nghiệp Deep C, tỷ lệ đáp ứng các tiêu chí theo khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái đã tăng từ 47% năm 2019 lên 83% năm 2024; khu công nghiệp Amata tăng từ 81% lên 86%; khu công nghiệp Hiệp Phước từ 44% lên 76%.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, thực tế, hiện nay có một số doanh nghiệp, khu công nghiệp đang có hành vi "greenwashing" (tẩy xanh). Đó là hành vi của các công ty, tổ chức cố tình thổi phồng các cam kết bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của họ là thân thiện với môi trường hơn thực tế, nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng, quảng bá triển khai công nghiệp sinh thái, làm nhiều thứ xanh, nhưng thực chất chỉ là “sơn vẽ”...
Ông Hưng nhấn mạnh, khi phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh không chỉ ở bề ngoài mà quan trọng nhất là trong các nhà máy có quyết tâm chuyển đổi xanh không.
Để xây dựng khu công nghiệp sinh thái trở nên thực chất, ông Hưng cho rằng, cần có nhiều tiêu chí trong đó có tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp…
Các quy định pháp luật về sử dụng chất thải, tuần hoàn cũng rất chặt chẽ. Ví dụ để nước thải sau xử lý có thể sử dụng tưới cây hoặc làm mát, hoặc tái sử dụng chất thải cũng cần phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được làm.
Do đó, các chính sách cần phải đồng bộ, hấp dẫn, khuyến khích các khu công nghiệp đăng ký tham gia xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Minh An (t/h)
Trong 6 tháng đầu năm, có 1.474 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp, trong đó riêng tháng 6 có 910 hộ, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi.