Ngành dệt may tăng tốc đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
12:25 PM 22/10/2024

Ngành dệt may Việt Nam đang tăng tốc trong giai đoạn cuối năm trên các lĩnh vực từ sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 9 đạt 2,98 tỷ USD, giảm so với tháng trước nhưng tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9%.

Ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Ảnh: KTSG

Ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Ảnh: KTSG

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã đạt mức ấn tượng, tăng 14,71% so với cùng kỳ và vượt 20,38 tỷ USD trong 9 tháng, cho thấy nhu cầu sản xuất của ngành vẫn rất lớn.

Bên cạnh việc củng cố thị trường truyền thống, ngành dệt may Việt Nam đang tích cực khai thác các thị trường mới như ASEAN, Nga và Canada. Với đơn hàng dồi dào và sự phục hồi của các thị trường lớn, ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Về tình hình sản xuất trong nước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sản xuất ngành dệt và trang phục trong nước đang duy trì tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất ngành dệt trong tháng 9 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, chỉ số ngành dệt tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, …

Bộ Công Thương cho hay tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, việc giảm tồn kho của các hãng thời trang và các chính sách tiền tệ nới lỏng đang tạo ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm và mở ra triển vọng tích cực cho năm 2025.

Theo các chuyên gia, với những tín hiệu khả quan từ thị trường, ngành dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng vào giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng mà còn cần đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Đặc biệt, tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, yêu cầu về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng như tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) ngày càng khắt khe.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng.

Ngoài ra, việc cải tạo nhà máy bằng cách lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và chuyển đổi nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện cũng là bước đi cần thiết. Chiến lược chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, quản lý dữ liệu và kiểm soát rủi ro cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững và bứt phá trên thị trường quốc tế.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Bình luận