Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 12
Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng
Nghị định số 144/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ ngày 16/12/2024.
Theo đó, đối với hàng hóa phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa nitơ (mã hàng 31.02), Chính phủ quy định: Urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước (mã hàng 3102.10.00); amoni sulphat (mã hàng 3102.21.00); loại khác (mã hàng 3102.29.00); hỗn hợp của amoni nitrat với canxi carbonat hoặc các chất vô cơ khác không phải phân bón (mã hàng 3102.40.00); natri nitrat (mã hàng 3102.50.00); muối kép và hỗn hợp của canxi nitrat và amoni nitrat (mã hàng 3102.60.00); hỗn hợp urê và amoni nitrat ở trong dung dịch nước hoặc dung dịch amoniac (mã hàng 3102.80.00); loại khác, kể cả hỗn hợp chưa được chi tiết trong các phân nhóm trước (3102.90.00) có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Chính phủ cũng quy định Amoni nitrat có hàm lượng NH4NO3 > 98,5% (mã hàng 3102.30.00.10) thuế suất 0%; loại khác (mã hàng 3102.30.00.90) thuế suất 5%.
Sửa quy định hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
Nghị định số 128/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.
Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi một số quy định liên quan đến hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (Điều 6) tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Theo đó, hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được quy định như sau:
Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá bán ngay trước thời gian khuyến mại của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8, khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005, Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Trong các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024
Có hiệu lực từ 25/12/2024, Thông tư số 76/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có đề cập đến hình thức công bố thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 76/2024/TT-BTC nêu rõ, tối thiểu một trong các hình thức doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu gồm: Văn bản giấy; văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phát hành.
Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Cụ thể, Thông tư 49/2024/TT-NHNN quy định, ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi: Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ trường hợp NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng). Chủ đầu tư đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Về trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư 49/2024/TT-NHNN nêu rõ, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư. Bên bảo lãnh và chủ đầu tư ký thỏa thuận cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 12 Điều 3, Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN.
Căn cứ thỏa thuận cấp bảo lãnh đã ký, bên bảo lãnh phát hành văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh cho chủ đầu tư để chủ đầu tư gửi bản sao cho bên mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Bên bảo lãnh căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, thỏa thuận cấp bảo lãnh và văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua.
Quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Nghị định quy định rõ về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Theo đó, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, chi phí thu hồi, lợi nhuận và các khoản được chia từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài.
Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) và các nghĩa vụ tài chính khác của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hợp đồng dầu khí, giấy phép và các thỏa thuận liên quan khác để thực hiện hoạt động dầu khí, dự án dầu khí ở nước ngoài từ khi hình thành dự án đến khi kết thúc dự án và hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo quy định.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/12/2024.
Bộ Tài chính bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Ngày 8/11/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2024/TT-BTC bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2024.
Theo đó, Thông tư 78/2024/TT-BTC quy định bãi bỏ toàn bộ các thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành bao gồm: Thông tư 120/2016/TT-BTC ngày 14/7/2016 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số điện toán Việt Nam; Thông tư 188/2013/TT-BTC ngày 9/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Thông tư 78/2024/TT-BTC cũng bãi bỏ Thông tư 127/2012/TT-BTC ngày 8/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp; Thông tư 205/2014/TT-BTC 24/12/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 127/2012/TT-BTC; Thông tư 76/2015/TT-BTC ngày 19/5/2015 của Bộ Tài chính quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
Huyền My (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.