Những thương vụ lớn của ngành ngân hàng năm 2025
IPO, niêm yết cổ phiếu, mua - bán cổ phần... là những thương vụ lớn đáng chú ý của ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm 2025.
Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua thực hiện các kế hoạch quan trọng để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính và hoàn tất tái cơ cấu. Hiện tại, ngành ngân hàng đang chờ đón một loạt những thương vụ lớn trong năm 2025.
Trước hết là việc niêm yết cổ phiếu của VietABank (Mã: VAB) và Kienlongbank (Mã: KLB).
Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu của VietABank (Mã: VAB) vào ngày 14/5/2025.

Ảnh minh họa
Hiện nay, cổ phiếu VAB đang được giao dịch tại sàn chứng khoán UPCoM với số lượng cổ phiếu lưu hành là gần 540 triệu đơn vị, thị giá là 11.600 đồng/cp, tăng hơn 27% kể từ đầu năm. Giá trị vốn hóa thị trường xấp xỉ 6.300 tỷ đồng.
VietABank đã chính thức nộp hồ sơ lên sàn HOSE và đã được tiếp nhận công văn. Sau khi Đại hội cổ đông thông qua, VietABank sẽ bám sát thủ tục để chính thức niêm yết. VietABank dự kiến trong quý III/2025, sẽ thực hiện thành công chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HOSE, nhờ đó sẽ giúp giao dịch cổ phiếu sôi động hơn.
Cùng với VietABank, ĐHĐCĐ thường niên 2025 Kienlongbank (Mã: KLB) cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán. HĐQT Kienlongbank sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết. Mục tiêu là sẽ hoàn thành trong quý 4/2025.
Thương vụ tiếp theo là Vietcombank và BIDV chào bán cổ phiếu. Trong đó, Vietcombank sẽ chào bán tối đa là 543,1 triệu cổ phiếu cho tối đa 55 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tương đương 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm của đợt chào bán hoặc tại thời điểm của đợt chào bán đầu tiên trong trường hợp có nhiều đợt chào bán). Việc chào bán có thể thực hiện theo một hoặc nhiều đợt chào bán trong năm 2025 - 2026.
Trong kế hoạch tăng vốn năm 2025, BIDV cũng dự kiến phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269,846 triệu cổ phiếu (tương ứng 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3/2025).
Được chờ đợi nhất là thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) của Techcombank. IPO TCBS là một trong những động lực chính để đạt mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD. Hiện, TCBS đóng góp 10 - 20% lợi nhuận của Techcombank, có tiềm năng được định giá từ 2,5 đến 4 tỷ USD, qua đó nâng giá trị tổng thể của toàn ngân hàng.
Cuối cùng là thương vụ thâu tóm công ty chứng khoán của Sacombank, MSB, SeABank. Theo đó, Sacombank sẽ góp vốn hoặc mua cổ phần một công ty chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng. Danh tính của công ty này vẫn chưa được tiết lộ.
MSB cũng đã được cổ đông thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB. Mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán có tài sản sạch và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.
SeABank cũng có kế hoạch mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (Asean Securities) để Công ty này trở thành Công ty con của SeABank. Hiện Công ty chứng khoán ASEAN có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. SeABank dự kiến sẽ mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán này.
An Mai (t/h)
Ngành Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng tốc phát triển du lịch từ đầu năm, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng.