Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng tăng 3,5%

Doanh nghiệp
09:53 AM 28/11/2023

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2023 đạt 201.529 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (164.525 doanh nghiệp).

Doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,0%

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 là 146.044 doanh nghiệp, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (123.121 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong 11 tháng năm 2023 đạt 1.366.208 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2023 là 3.150.569 tỷ đồng (giảm 29,4% so với cùng kỳ năm 2022), bao gồm: Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.366.208 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.784.361 tỷ đồng (giảm 40,1% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2023 đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng tăng 3,5%- Ảnh 1.

Biểu đồ 1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn năm 2019 - 2023 (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)

Có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 27,6%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 15,9%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 14,9%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 14,1%); Vận tải kho bãi (tăng 9,8%); Khai khoáng (tăng 7,8%); Xây dựng (tăng 5,7%); Thông tin và truyền thông (tăng 5,3%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 5,0%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 3,9%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 2,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 2,2%);

Có 5/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022 gồm: Kinh doanh bất động sản (giảm 47,4%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 18,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 11,5%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 1,7%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 0,2%).

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 132.569 doanh nghiệp (chiếm 90,8%, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022). Về lĩnh vực hoạt động chính, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ có 109.688 doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022); nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 34.735 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022) và nhóm ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.621 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Có 3/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Trung du và miền núi phía Bắc (7.198 doanh nghiệp, tăng 12,1%); Đông Nam Bộ (62.256 doanh nghiệp, tăng 11,9%); Đồng bằng Sông Hồng (45.317 doanh nghiệp, tăng 7,5%). Các khu vực còn lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Tây Nguyên (3.662 doanh nghiệp, giảm 12,0%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (17.196 doanh nghiệp, giảm 7,7%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (10.415 doanh nghiệp, giảm 3,4%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 là 974.118 lao động, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 2,5%

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2023 là 55.485 doanh nghiệp, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (41.404 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 9/17 lĩnh vực, cụ thể: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (512 doanh nghiệp, tăng 14,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (276 doanh nghiệp, tăng 14,0%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (944 doanh nghiệp, tăng 8,5%); Kinh doanh bất động sản (2.106 doanh nghiệp, tăng 5,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (4.010 doanh nghiệp, tăng 4,4%); Thông tin và truyền thông (1.103 doanh nghiệp, tăng 3,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (6.441 doanh nghiệp, tăng 1,3%); Xây dựng (7.220 doanh nghiệp, tăng 0,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (764 doanh nghiệp, tăng 0,3%).

Các lĩnh vực ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm gồm: Hoạt động dịch vụ khác (1.444 doanh nghiệp, giảm 14,0%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (432 doanh nghiệp, giảm 11,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.857 doanh nghiệp, giảm 11,4%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.904 doanh nghiệp, giảm 9,4%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (20.006 doanh nghiệp, giảm 5,2%); Giáo dục và đào tạo (1.409 doanh nghiệp, giảm 0,8%); Vận tải kho bãi (2.649 doanh nghiệp, giảm 0,7%) và Khai khoáng (408 doanh nghiệp; giảm 0,5%).

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20,0%

Trong 11 tháng năm 2023 có 158.763 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,8%), cụ thể:

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng năm 2023 là 85.434 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn đều là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 40.039 doanh nghiệp (chiếm 46,9%); có ở quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng với 75.549 doanh nghiệp (chiếm 88,4%), tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 57.157 doanh nghiệp, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 50.045 doanh nghiệp (chiếm 87,6%), tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp giải thể là 16.172 doanh nghiệp, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể đều có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 11.008 doanh nghiệp (chiếm 68,1%), có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.942 doanh nghiệp (chiếm 86,2%), giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11/2023

Trong tháng 11/2023, có 14.267 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 153.588 tỷ đồng, tăng 19,5% về số doanh nghiệp và tăng 47,0% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng tăng 3,5%- Ảnh 2.

Biểu đồ 2. Doanh nghiệp thành lập và vốn đăng ký (tỷ đồng), giai đoạn 2019-2023

Trong tháng 11/2023, có 5/6 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (4.177 doanh nghiệp, tăng 9,3%); Trung du và miền núi phía Bắc (616 doanh nghiệp, tăng 14,7%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.922 doanh nghiệp, tăng 21,3%); Đông Nam Bộ (6.272 doanh nghiệp, tăng 30,3%); Đồng bằng Sông Cửu Long (972 doanh nghiệp, tăng 13,7%). Riêng khu vực Tây Nguyên ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022 (308 doanh nghiệp, giảm 6,7%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2023 là 93.692 người, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 11/2023 ghi nhận có 6.562 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 11/2023, cả nước có 12.551 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: 4.510 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022; 6.598 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2022; 1.443 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.