Tỉnh Hưng Yên tương lai có 30 khu công nghiệp
Tỉnh Hưng Yên mới đây đã công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước. Hiện tỉnh đã ưu tiên dành quỹ đất để hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, với mục tiêu là "điểm đến" của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589 ha.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1. Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.
Địa phương đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60-65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Tỉnh cũng quy hoạch 3 đô thị trung tâm gồm: thành phố Hưng Yên, đô thị Văn Giang và đô thị Mỹ Hào.
Trong đó, Thành phố Hưng Yên được quy hoạch là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của tỉnh; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dịch vụ, khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp.
Đặc biệt, Đô thị Văn Giang phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3,5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội và đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh.
Hưng Yên cũng sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như: công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.