Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô

Địa phương
08:36 AM 12/07/2025

Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa hàng đầu, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu bằng việc xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa. Đây sẽ là mô hình đột phá, đóng vai trò hạt nhân trong việc kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo của Thủ đô phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững.

Hà Nội, với bề dày lịch sử và kho tàng văn hóa đồ sộ, luôn được coi là "mỏ vàng" cho việc khai thác và phát triển các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác tương xứng. Nhận thức rõ điều đó, tại Kỳ họp thứ 25 vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa. 

Nghị quyết này được xây dựng dựa trên cơ sở triển khai khoản 7 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, không chỉ đặt nền móng pháp lý vững chắc mà còn mở ra hàng loạt cơ chế ưu đãi đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia phát triển một hệ sinh thái sáng tạo sôi động tại Thủ đô.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô- Ảnh 1.

Ảnh: Khánh Huy

Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội cho rằng Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản, lực lượng nghệ sỹ sáng tạo đến sức hút du lịch. Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và đúng định hướng Luật Thủ đô mới. Đây sẽ là mô hình đột phá, làm cơ sở để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào tăng trưởng GRDP Thủ đô theo hướng bền vững.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa sẽ quy tụ những "trái tim", "đam mê" và "khát vọng" làm giàu cho Thủ đô, cho đất nước từ chính những giá trị văn hóa. Mục tiêu cao nhất là biến văn hóa thành nguồn lực kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô- Ảnh 2.

Ảnh: Khánh Huy

Theo quy định, Trung tâm công nghiệp văn hoá là tổ chức được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, có trụ sở tại địa điểm với ranh giới địa lý xác định để hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, cung cấp dịch vụ hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hoá, phát triển hệ sinh thái sáng tạo.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các trung tâm này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc Hà Nội, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa và bình đẳng văn hóa.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô- Ảnh 3.

Ảnh: Khánh Huy

Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hoá bao gồm một hoặc một số ngành công nghiệp văn hóa: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật, biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hoá, văn hoá ẩm thực.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô- Ảnh 4.

Ảnh: Khánh Huy

Điểm nổi bật và thu hút sự quan tâm lớn là các chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong Trung tâm. Cụ thể như hỗ trợ 100% kinh phí quảng bá, truyền thông về sự kiện, hoạt động văn hoá nghệ thuật trên các phương tiện thông tin, truyền thông TP; 40% kinh phí tổ chức, sản xuất chương trình nhưng không quá 200 triệu đồng cho 1 sự kiện, hoạt động có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật hoặc có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô hoặc có tác động tích cực đến việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Thủ đô và đất nước đến cộng đồng quốc tế.

Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.

Trung tâm công nghiệp văn hóa tạo lập môi trường thuận lợi để đổi mới sáng tạo, phát triển hoạt động nghệ thuật, phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá của Thủ đô; kết hợp hài hoà, bảo đảm cân bằng giữa yếu tố văn hóa và thương mại, dịch vụ trong hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá; kết nối các hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá với các hoạt động đào tạo, phát huy giá trị di sản, du lịch và xuất khẩu văn hoá.

Trung tâm Công nghiệp Văn hóa: Động lực phát triển hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô- Ảnh 5.

Đây là nơi kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Ưu tiên đầu tư phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa từ cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đào tạo và trụ sở cơ quan, đơn vị không còn hoạt động hoặc phải thực hiện việc di dời, trong phạm vi khu phát triển thương mại và văn hóa, khu vực TOD hoặc khu vực lân cận nhằm xây dựng hệ sinh thái văn hóa, kết nối thị trường, thúc đẩy các hoạt động thương mại, văn hóa, sáng tạo. Hoạt động tại Trung tâm bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Việc cho phép thí điểm có kiểm soát những mô hình kinh doanh, sản phẩm, công nghệ mới ngay trong lòng các trung tâm công nghiệp văn hóa là điểm nhấn khác biệt trong Nghị quyết. Những trung tâm này còn là nơi “kiểm nghiệm tương lai”, thử các mô hình kinh tế văn hóa sáng tạo trong môi trường linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng trên toàn hệ thống. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức và sáng tạo, việc Hà Nội tiên phong xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa không chỉ là một lựa chọn thông minh mà còn là bước đi tất yếu. Nếu được đầu tư đúng hướng, ngành công nghiệp văn hóa có thể trở thành động lực kinh tế mềm quan trọng, vừa tạo việc làm, vừa nâng cao vị thế văn hóa quốc gia, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Bình luận